Cần có những chính sách lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên

Ngày 19/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (Đề án 567).

Nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở cơ sở

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai Chiến lược và các đề án đạt nhiều kết quả quan trọng. Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, kết quả tổng hợp báo cáo thực hiện Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản, các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên. Đến nay, công tác quản lý nhà nước về thanh niên đã cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc "khoán trắng" cho tổ chức đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về Đề án 567, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý biên soạn Bộ tài liệu gồm những nội dung cơ bản về hệ thống chính trị, hành chính nhà nước và quản lý nhà nước; một số kỹ năng cơ bản dành cho cán bộ, công chức trẻ ở xã; chuyên đề xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; quản lý quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội... Từ năm 2015 đến năm 2020, thông qua việc thực hiện Đề án, đã bồi dưỡng cho hơn 14 nghìn cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án với tổng kinh phí triển khai thực hiện là gần 29,8 tỷ đồng.

Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án góp phần quan trọng vào việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã, từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Với Đề án 500, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai thực hiện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương hoàn thành công tác tuyển chọn đội viên Đề án với tổng số 500 đội viên. Trong đó có 115/500 đội viên (chiếm 23%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức văn phòng-thống kê; 187/500 đội viên (chiếm 37,4%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường.

Hạt nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tổng kết các Đề án tại đơn vị mình một cách khẩn trương, nghiêm túc, bài bản từ cơ sở, bảo đảm thực chất, đúng tiến độ.  

Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, về cơ bản, 6 mục tiêu, 8 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung của Chiến lược đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc. Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược sâu rộng từ trung ương đến cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược; về vị trí, vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện Chiến lược.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thanh niên 2020. Đây chính là nền tảng, cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.
Về Đề án 567, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, qua 6 năm thực hiện, cơ bản Đề án đã được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chính trị, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động để cán bộ, công chức trẻ ở xã trở thành hạt nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng, trong thực hiện Đề án, lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho cán bộ, công chức trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng. Một số nội dung, chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng chưa phù hợp với từng địa phương và chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng, chưa chú trọng bồi dưỡng một số kỹ năng cần thiết như: xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch; xử lý văn bản hành chính; phân tích xử lý tình huống; kiểm tra, đánh giá kết quả công việc; tiếp công dân; lãnh đạo và các kỹ năng mềm trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đánh giá về Đề án 500 trí thức trẻ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND 34 tỉnh tổ chức triển khai theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã phối hợp với các địa phương hoàn thành tuyển chọn 500 đội viên để bố trí đưa về 500 xã thuộc 163 huyện. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội viên Đề án được các tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo theo đúng quy định Nhà nước, qua đó, tạo điều kiện cho các đội viên an tâm công tác.

Qua báo cáo, các đội viên đã chủ động khắc phục khó khăn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau 5 năm về xã công tác, đội viên đã đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân. Hằng năm, phần lớn đội viên đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng đội viên vào các cơ quan nhà nước cũng gặp những khó khăn nhất định. Trong số 411 đội viên Đề án có nhu cầu được bố trí sử dụng, có 121 đội viên Đề án được địa phương đề xuất dự kiến vị trí bố trí, sử dụng, còn 290 đội viên chưa có phương án bố trí, sử dụng.

Nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thi hành Luật Thanh niên 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này, đánh giá rõ nét hơn những kết quả, thành công đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém để có các giải pháp khắc phục; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Về Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2014-2020 để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định luật. Đối với những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, cùng quan tâm định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy và phát triển thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đỗ Bình (TTXVN)
Khai mạc Ngày hội Thanh niên Việt Nam - ASEAN 2020
Khai mạc Ngày hội Thanh niên Việt Nam - ASEAN 2020

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Ngày hội Thanh niên Việt Nam - ASEAN 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN