Cần các giải pháp cụ thể, an toàn
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu hơn kỳ vọng, cuộc xung đột Nga – Ukraina bất ngờ diễn ra ngay từ đầu năm (tháng 2/2022) đã đẩy giá năng lượng tăng mạnh, cùng với chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến lạm phát cao hơn và ở diện rộng hơn so với dự báo. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu để kiềm chế lạm phát, kèm theo đó là chi phí đi vay tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy về thanh khoản và mất giá đồng tiền ở nhiều quốc gia khác, kể cả các nước phát triển (Nhật), đang phát triển hay mới nổi.
Trong khi đó, Việt Nam là điểm sáng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới. Điều này đạt được nhờ kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 cùng với sự ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ và nhất là triển khai khẩn trương Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, một số vấn đề tồn tại cần được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá khách quan để có giải pháp toàn diện, hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2022 và thực hiện kế hoạch trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. Theo đại biểu, việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kết quả còn khiêm tốn, còn một số bất cập khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và thụ hưởng. Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (tính đến hết tháng 8/2022 mới chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ đồng/gần 16.035 tỷ đồng phân bổ cho năm 2022 trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng gói hỗ trợ lãi suất).
Qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp được nêu như: Tiêu chí để được hỗ trợ là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “có khả năng phục hồi”; tuy nhiên rất khó để đánh giá tiêu chí này; tâm lý e ngại khi nhận hỗ trợ lãi suất khi cân nhắc giữa chi phí bỏ ra để được hưởng và lợi ích thu được; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có giấy đăng ký kinh doanh nên không được vay hỗ trợ lãi suất; một số ngân hàng thương mại e ngại khi triển khai chương trình này do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây còn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng…
Theo báo cáo của Đoàn giám sát về chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016-2020, chỉ cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% kế hoạch; Thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch…Báo cáo cũng nêu rõ ngoài các nguyên nhân khách quan do khó khăn, vướng mắc một số quy định pháp luật, nguyên nhân chủ yếu là trong khâu tổ chức, thực hiện.
Theo đại biểu, một nguyên nhân chưa được đề cập là khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm 2020-2021, có tâm lý kéo dài để bán được giá cao hơn. Và khi thị trường chứng khoán rơi mạnh từ đầu năm 2022 đến nay thì lại lỡ cơ hội để thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh, tình hình điều hành giá và cung xăng dầu còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, cần làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc xử lý tình trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tuy mạnh mẽ nhưng chậm và “giật cục”, tác động tiêu cực đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán rơi mạnh và tiếp theo là thị trường bất động sản khiến rủi ro tác động liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị tiếp tục nhận diện những rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn, vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Nâng cao khả năng sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp
Theo đại biểu Lê Hoàng Hải, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia và là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 thị trường lớn nhất của châu Á.
Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời cũng như thống nhất với quan điểm, định hướng chiến lược của Chính phủ trong Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển kinh tế số của Việt Nam chiếm tỷ trọng 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, đây là những mục tiêu đầy thách thức.
Bên cạnh một số kết quả ấn tượng, đại biểu cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia, bao gồm những thách thức về thể chế, đo lường quy mô kinh tế số, vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, an ninh mạng, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số…
Để hợp lực chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế kinh tế số. Theo đó, cần sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ "mỏ vàng" của kinh tế số; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số; tạo lập môi trường thuận lợi hơn nữa cho đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu phát triển công nghệ mới, an ninh mạng.
Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hạ tầng số và nhân lực số; hạ tầng số phải đi trước một bước thúc đẩy phổ cập danh tính điện tử toàn dân, tạo một nền tảng dữ liệu quốc gia có thể được chia sẻ giữa các tổ chức và doanh nghiệp, phủ sóng 5G, tăng đầu tư cho đào tạo gắn với chuyển đổi số.