Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 4: Giảm chi từ ngân sách nhà nước

Mục tiêu quan trọng của việc cải cách bộ máy, đó là tinh giản biên chế, giảm gánh nặng chi lương từ ngân sách nhà nước.

Chú thích ảnh
Năm 2021, biên chế hành chính giảm 10% so với năm 2015. Ảnh minh họa: TTXVN

Nếu như cả một thời gian dài, trải qua hai nhiệm kỳ Chính phủ: 2007 - 2011, 2011 - 2016, các đánh giá đều cho thấy biên chế không những không giảm mà còn "phình" lên, cho đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã có thể tự tin báo cáo việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Từ tăng biên chế

Nhìn lại thời điểm giữa năm 2017, tổng số biên chế công chức gần 270 nghìn người và tổng biên chế viên chức là 2,44 triệu người. Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện trong giai đoạn 2011 - 2016 có xu hướng giảm, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2016 giảm trung bình mỗi năm khoảng 4.000 biên chế, song, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2016 lại tăng tới 217.639 người so với năm 2011. Tăng nhiều nhất là sự nghiệp giáo dục - đào tạo: 136.663 người và sự nghiệp y tế: 54.500 người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi đó cho rằng, tinh giản biên chế chưa hiệu quả, không những không giảm mà còn tăng 20.400 người, bằng 0,57%, không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% (mỗi năm giảm từ 1 - 2%).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, có 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ dư biên chế tại các vụ, cục trực thuộc, một số nơi dư biên chế khá lớn như Bộ Tài chính dư 6.318 biên chế, Bộ Nội vụ dư 492 và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dư 604 biên chế. 11  tỉnh, thành cũng sử dụng vượt quy định 7.951 biên chế công chức (vượt 5%); trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh vượt 996 chỉ tiêu, Bạc Liêu vượt 564 chỉ tiêu…

Theo số liệu tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (2015 và 2016), số lượng người làm việc theo hợp đồng lao động ký theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ở các bộ, ngành, địa phương vượt chỉ tiêu được giao đến 45.152 người (tăng 56,75% so với năm 2015). Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong thời gian này là 17.694 người; trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 731 người; cơ quan hành chính là 2.253 người; đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người.

Một số bộ, số lượng tinh giản biên chế năm cao nhất mới đạt 41,51% chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức và 17,24% chỉ tiêu tinh giản biên chế viên chức. Thậm chí, ở Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 (2015 – 2016), chỉ tinh giản được 7 viên chức.

Bên cạnh đó, đối tượng tinh giản biên chế hiện chủ yếu tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), người hưởng chính sách thôi việc ngay hoặc hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học; chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém. Vì vậy, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã đưa ra nhận định “Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế chưa chuyển biến về chất, chủ yếu về lượng. Giảm đầu mối ở trên lại phình chân rết ở dưới, chưa phải tinh giản thật sự”.

… đến giảm một cách ngoạn mục

Có thể nói, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã “mở đường” cho việc tinh giản biên chế. Bằng những giải pháp đồng bộ: cải cách bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, được thực hiện quyết liệt thời gian qua, biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm đi đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.344 người (bộ, ngành Trung ương là 106.836 biên chế; địa phương là 140.508 biên chế), giảm 27.504 người (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015); biên chế sự nghiệp là 1.783.174 người (bộ, ngành Trung ương là 116.698 người; địa phương là 1.666.476 người), giảm 242.703 biên chế (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Số biên chế, tinh giản biên chế nêu trên không tính số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố: 1.031.851 người, giảm 147.290 người so với năm 2015, tương ứng 12,49%. Trong đó, cán bộ, công chức cấp xã là 226.210 người, giảm 30.398 người so với năm 2015, tương ứng giảm 11,85%. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 171.894 người, giảm 57.698 người so với năm 2015, tương ứng giảm 25,13%. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: 633.747 người, giảm 59.194 người so với năm 2015, tương ứng giảm 8,54%.

Tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP trong giai đoạn năm 2015 - 2020 là 67.218 người, gồm 4.965 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 62.253 người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Theo đó, có 54.899 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 12.172 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 67 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học nghề và 80 người hưởng chính sách do chuyển sang tổ chức khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức để tập trung nguồn lực cho các đơn vị có hoạt động cụ thể; cơ cấu, cân đối lại về biên chế trong toàn ngành để làm căn cứ giao biên chế cho các đơn vị. Năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính giảm 4.974 chỉ tiêu, tương đương 6,7% so với năm 2015. Năm 2020, đã giảm 8,7% so với chỉ tiêu được giao năm 2015, đảm bảo lộ trình đến năm 2021, biên chế hành chính giảm 10% so với năm 2015. Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định về giao biên chế sự nghiệp giai đoạn 2018-2021 cho tổ chức, đơn vị thuộc Bộ. Kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế góp phần tiết kiệm cho ngân sách, lũy kế 2 năm 2019 - 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Từ việc sắp xếp các đơn vị nghiệp công lập, theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, đến hết năm 2020, tỉnh này đã giảm được 2.271 biên chế sự nghiệp so với năm 2015. Trong đó, ngành giáo dục đã giảm theo nhu cầu định mức 1.327 giáo viên và 381 nhân viên.

“Kinh phí tiết kiệm thực hiện việc tinh giản biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trong đó chủ yếu là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp) từ năm 2015 đến hết năm 2019 ước khoảng 1.355 tỷ đồng; đối với sự nghiệp giáo dục giảm chi phí trực tiếp cho đội ngũ từ 71% năm 2015 xuống khoảng 55% năm 2020. Nguồn kinh phí tiết kiệm được do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của tỉnh phần lớn được bổ sung cho đầu tư phát triển”, ông Trần Huy Tuấn cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khu vực này, lũy kế từ năm 2016 đến năm 2020, đã giảm khoảng 22 nghìn tỷ đồng kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên, để tăng chi phát triển sự nghiệp công ở những lĩnh vực, vùng khó khăn.

Bộ Nội vụ đánh giá, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo yêu cầu theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian. Ghi nhận ấy được khẳng định trong phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và sự nghiệp có nhiều tiến bộ mới, thiết thực đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt 10,01% đối với biên chế công chức, 11,98% biên chế sự nghiệp và 12,49% cán bộ, công chức cấp xã”.

Bài cuối: Kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 3:  Sắp xếp huyện, xã: '3 giảm', '5 tăng'
Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 3:  Sắp xếp huyện, xã: '3 giảm', '5 tăng'

Ở thời điểm năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã; chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN