Tuy nhiên, từ thực tế sắp xếp lại các cơ quan Đảng, chính quyền, thu gọn bộ máy, nhất thể hóa chức danh tại tỉnh Quảng Ninh, có thể thấy việc gỡ nút thắt bộ máy và biên chế không phải là việc khó đến mức không thể làm được, quan trọng là phải có quyết tâm làm, gỡ bằng được “rào cản” tư duy: Công chức, viên chức suốt đời, vào biên chế nhà nước để ổn định, thậm chí chờ trông cất nhắc để tham nhũng "vặt", hay câu chuyện bo bo lợi ích bộ, ngành.
Thu thuế tại điểm thu Ngân hàng BIDV Chi nhánh Đào Duy Anh, quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN |
Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, lợi ích cục bộ Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua: Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Những gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND; thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.
Thực tiễn đã chứng minh, tinh gọn bộ máy và biên chế là hoàn toàn có thể. Như ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), thực hiện nhất thể hóa các chức danh: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện, xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, sáp nhập khối Văn phòng Huyện ủy, UBND, HĐND, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị… đã tinh gọn được 50 biên chế, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho ngân sách.
Nếu cách làm này được nhân rộng ra toàn quốc với khoảng 700 đơn vị cấp huyện và hơn 11 nghìn đơn vị cấp xã, con số sẽ vô cùng lớn. Chìa khóa của vấn đề là quyết tâm hành động, kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, lợi ích cục bộ trong việc sắp xếp bộ máy và có cơ chế, chính sách phù hợp.
Cần giải pháp hữu hiệu và đồng bộ Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức thì không tinh giản được. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cần cơ cấu theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.
Để gắn trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức thực hiện, tránh tình trạng nói mà không làm, “giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”, giải pháp đầu tiên là phải tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng.
Đồng thời với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế của bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý biên chế phải được đổi mới theo hướng tập trung, thống nhất, trên cơ sở xác định vị trí việc làm để bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, phải đi theo quy trình từ chức năng đến nhiệm vụ, từ nhiệm vụ đến việc làm, và từ việc làm “đẻ” ra lao động. Thiết kế bộ máy phải bắt đầu từ chức năng, phương diện mà bộ máy tác động đến.
Hiện chúng ta đang tiếp cận không đúng nguyên lý. Bộ Nội vụ có ý tưởng xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng không bắt đầu từ bộ máy, mà bắt đầu từ sự tưởng tượng ra công việc đó áng chừng bao nhiêu người. Vì vậy, nhiều địa phương đã xây dựng được vị trí việc làm nhưng chưa phê duyệt được vì Bộ Nội vụ không đo đếm được. Theo ông Vân, chỉ có cách khoán biên chế, giao trách nhiệm cho người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một trong những bước đi quan trọng khác trong đổi mới bộ máy, đó là chú trọng phân cấp, phân quyền để ai làm sai, người đó chịu trách nhiệm, không phải "lôi" hết cơ quan này đến cơ quan kia ra chịu trách nhiệm. Bộ sẽ chỉ thẩm tra, hậu kiểm. Chính phủ, bộ, ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước những băn khoăn của dư luận về tình trạng “lạm phát” cấp phó, bổ nhiệm chế độ “hàm” tràn lan thì việc kiểm soát và quy định cứng số lượng chức danh lãnh đạo/biên chế công chức là điều cần thiết. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý, cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm.
“Những người đã vào công chức rồi là suốt đời luôn, cho dù công chức đó có thể là những người mà sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Đó là do cơ chế đánh giá công chức, cơ chế đào thải công chức và cơ chế vận hành bộ máy”, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Nam nhìn nhận. Bởi vậy, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị “khống chế tham nhũng trong công tác cán bộ”, từ việc giới thiệu, đề cử, tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm. Nếu sai phạm, làm trái phải trừng trị bằng Luật Hình sự, để thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều.
Và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng bỏ hẳn biên chế, chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển; cần chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở Luật Công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Thực hiện chế độ khoán quỹ lương gắn với giao nhiệm vụ, bà Chi Lan nói.
Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập - khâu đột phá Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập được coi là khâu đột phá để giải bài toán bộ máy và biên chế, bởi giảm được số này, sẽ nhẹ gánh cho ngân sách nhà nước rất nhiều. Hàng năm, trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69%, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách; trong đó tỷ lệ chi các lĩnh vực sự nghiệp giai đoạn 2011 - 2016 chiếm 44% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Đại bộ phận nguồn kinh phí của các đơn vị sự nghiệp công lập đều chờ trông vào “bầu sữa ngân sách”.
Theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ chi trả nợ, chi cho quốc phòng - an ninh thì ngân sách hiện tại gần như không còn dư địa để chi cho đầu tư phát triển. Mỗi năm giảm được 1,5% biên chế, sẽ giảm khoản chi từ ngân sách 800 - 900 tỷ đồng.
Dẫn chứng từ kết quả chỉ sau một năm thực hiện sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (từ 2015 đến 2016), biên chế chưa giảm nhưng Hà Nội đã giảm 4,7% và Thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 5% chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đó là do giảm được đầu mối. “Giảm được đầu mối là giảm được chi hoạt động rất nhiều, giảm phụ cấp, giảm cán bộ quản lý, giảm chi phí phòng cháy chữa cháy, lễ tân, tiếp khách, hội nghị, trụ sở, phương tiện”, Phó Thủ tướng cho hay.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là khẩn trương hoàn thành sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội, không sắp xếp theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Tổ chức lại các các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều loại hình dịch vụ công, giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ.
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cùng một bộ, ngành trên địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng giảm tối đa đầu mối để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà nước cần buông những lĩnh vực không trọng yếu cho khu vực xã hội, tư nhân đảm nhiệm, cơ quan nhà nước tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “việc nhà nước đến đâu, bộ máy quản lý đến đó”, tránh cồng kềnh bộ máy, ôm đồm về nhiệm vụ và quá nhiều biên chế không cần thiết, giảm ngân sách nhà nước.
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và đẩy mạnh việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công, đồng thời tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ công, đảm bảo nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công của người dân. Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Một nội dung quan trọng mà nhiều chuyên gia đề cập đến và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gợi mở trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập là đổi mới cơ chế, phương thức xây dựng và giao biên chế, thực hiện chế độ hợp đồng làm việc có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới, gắn tuyển dụng với sử dụng.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
Tuy nhiên để tránh những yêu ghét, nể nang hay “hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ, quan hệ” trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, cần thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ hàng năm và có cơ chế giám sát chặt chẽ, thanh lọc những người làm việc kém hiệu quả, hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao, là điều cần thiết để bộ máy thực sự vững, nguồn nhân lực thực sự “tinh”.
Nói như ông Lê Thanh Vân là “chưng cất” lại bộ máy, tái cấu trúc bộ máy cho thật khoa học, hợp lý, kiên quyết cắt bỏ tầng nấc trung gian, mạnh tay thu hẹp số lượng biên chế, dần dần tinh giản thật sự.