Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Bài 2: Đơn vị sự nghiệp công đang đè nặng bộ máy

Theo thống kê, đến nay chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập, đi liền với đó là 2,44 triệu biên chế hưởng lương từ “bầu sữa” ngân sách.

Đây là nguyên nhân không nhỏ khiến bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh và ngân sách phải oằn mình gánh. Vấn đề này cũng đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chờ trông “bầu sữa” ngân sách

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN

Hiện các đơn vị sự nghiệp công đang giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội như: Dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao...  Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị này.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng nguồn tài chính nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công (khám chữa bệnh, đào tạo...); mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp; tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động; đồng thời chủ động xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức và hoạt động; chủ động trong việc thành lập mới, sáp nhập, giải thể các tổ chức sự nghiệp trực thuộc; ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn được chủ động quyết định số lượng biên chế để thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động khai thác nguồn thu thực hiện chế độ tự chủ, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước. Một số đơn vị thực hiện không hết chức năng, nhiệm vụ được giao do nhu cầu dịch vụ công bị thu hẹp hoặc không còn cần thiết dẫn đến lãng phí biên chế, tài chính nhà nước.

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, khu vực này vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, gây bức xúc xã hội và không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua, nhất là trong việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm phát huy tốt hơn trí tuệ và sự cống hiến của đông đảo đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học và lao động kỹ thuật chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; đồng thời góp phần giải quyết vấn đề tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương của toàn hệ thống chính trị.

Chẳng khó khăn gì để có thể nhìn ra “gánh” đơn vị sự nghiệp công “nặng” đến cỡ nào. Con số mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đưa ra là ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp công hiện chiếm khoảng 30% tổng ngân sách nhà nước; số lượng viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước gấp 8 lần số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện. Theo Bộ trưởng, có quá nhiều đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương, Thanh Hóa có hơn 2.500 đơn vị, tỉnh ít nhất là Đắk Nông cũng có hơn 500 đơn vị sự nghiệp công, tập trung nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế và sự nghiệp khoa học.

Theo thống kê, đến hết năm 2016, cả nước có 57.171 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ tài chính theo các mức độ khác nhau, trong đó số tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chỉ chiếm 0,21%, số đảm bảo chi thường xuyên chiếm 3,33% và đảm bảo một phần chi thường xuyên là 22,36%. Ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo chi thường xuyên tới 72,67% đơn vị sự nghiệp công lập.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, số lượng tổ chức khoa học và công nghệ công lập quá nhiều so với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đến ngày 31/5/2016, cả nước có 1.432 tổ chức khoa học và công nghệ công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người, chiếm tới 84,7% tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước. Theo số liệu báo cáo của 13 bộ, ngành và 45 địa phương, trong số 582/1.432 tổ chức khoa học và công nghệ công lập có 3 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (0,5%); 59 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên (10%); 281 tổ chức tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (48,3%) và 239 tổ chức do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (41,2%).

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, trong 76 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ với 3.747 công chức, viên chức và người lao động, có 19 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, 29 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, 28 đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng số người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đông, thừa cán bộ quản lý nhưng lại thiếu cán bộ khoa học có năng lực. Chi phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập tăng lên không phải do cán bộ, công chức, viên chức, không phải do biên chế mà là do số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP quá nhiều. Hợp đồng dạng này không khác gì biên chế.

“Lãng phí dài tập”

Hoạt động tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam. Ảnh: Lưu Thanh Tuấn/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, cả nước hiện có 1.337 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (trong đó có 656 trung tâm dạy nghề) với gần 71.800 nhà giáo, cán bộ quản lý; 98 trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập với gần 4.000 người làm việc. Đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các trung tâm dạy nghề cấp huyện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là khu vực gây nhiều lãng phí, xây ra để đấy, “lãng phí dài tập”.

Tương tự, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một thực trạng là “3 trung tâm bé tí trong Sở Khoa học và Công nghệ”, mà “đã là trung tâm phải có giám đốc, giám đốc mà không có phó giám đốc cũng buồn, phải có lễ tân, bảo vệ, lái xe, phòng cháy chữa cháy, hội nghị, tiếp khách...” Khi tồn tại cơ quan thì ngân sách phải theo suốt từ khi thành lập đến khi chấm dứt. 90% đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ có số lượng dưới 30 người, trong đó phần lớn dưới 10 người, quá bé và số lượng không thể trở thành chất lượng được. Phó Thủ tướng đã phải thốt lên rằng “còn tồn tại, còn phải rót kinh phí, nên có nhận định các đơn vị sự nghiệp cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra”.

Từ con số của Bộ Khoa học và Công nghệ để nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay. Việc đổi mới, sắp xếp lại và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập còn rất chậm, hiệu quả thấp. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ máy hành chính nhà nước tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tăng ít nhưng số nhân lực tăng khá nhiều, năm 2016 tăng 217.600 người so với năm 2011, chủ yếu tăng ở khối sự nghiệp giáo dục – đào tạo và y tế. Trong số 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập, hệ thống giáo dục chiếm 72,08% và y tế chiếm 10,62%.

Việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập tiến tới thu gọn đầu mối vẫn còn rất chậm, nhiều khi chưa có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Một số địa phương muốn sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp nhưng không được sự đồng tình của bộ, ngành liên quan. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vì liên quan đến cơ chế tài chính nên các địa phương muốn “đẩy” các trường đại học về cho bộ. Địa phương giờ không “nuôi” nổi trường cao đẳng, chưa nói đến trường đại học, nhất là các trường sư phạm. Những trường đa ngành khác, thu không đủ chi. Địa phương muốn “đẩy” các trường từ cao đẳng trở lên về trung ương, trong khi trung ương muốn phân cấp trở về cho địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang đưa ra thông tin đáng quan tâm: Chi ngân sách cho giáo dục của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực ASEAN nhưng thực ra tổng chi toàn xã hội cho giáo dục đào tạo không bằng các nước nên chất lượng không bằng. Vì chính sách an sinh xã hội, vì nhiệm vụ chính trị, trong Luật Ngân sách nhà nước đưa ra là hàng năm phải đảm bảo 2% chi cho khoa học công nghệ, 20% chi cho giáo dục, chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi của ngân sách. Chính sách về mặt chính trị rất tốt nhưng ở đâu đó đã tạo tâm lý ỷ lại và không tạo cơ chế thu hút các nguồn lực khác.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của các đơn vị sự nghiệp công lập được nhìn nhận là do việc ban hành chính sách pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ và phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt là cơ chế tài chính còn bất cập. Việc triển khai chỉ đạo của Quốc hội, của Nhà nước chưa tốt, chưa kiên quyết, quyết liệt. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vẫn còn phổ biến ở mọi tầng nấc, người vào viên chức cũng có tâm lý là vào viên chức suốt đời.

Do chưa xác định rõ nhiệm vụ nào thuộc quản lý nhà nước, nhiệm vụ nào đơn thuần là sự nghiệp, dịch vụ công thuần túy có thể xã hội hóa, nên việc chuyển giao một số nhiệm vụ từ cơ quan hành chính nhà nước cho các tổ chức xã hội thực hiện còn hạn chế, chi phí từ ngân sách nhà nước cho khu vực sự nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước, cơ cấu tổ chức bên trong của bộ không những không tinh gọn được mà còn ngày càng cồng kềnh, nhiều tầng nấc với nhiều đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Bên cạnh đó, việc đổi mới, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được thực hiện quyết liệt. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp chậm được nghiên cứu, triển khai thực hiện. Đến đầu năm 2017, Chính phủ mới thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cứ một đơn vị sự nghiệp công lập có 100 con người mà tự chủ được hoàn toàn là giảm được ngay 100 biên chế, đồng thời tạo điều kiện thu hút vài trăm lao động. Tự quyết định về tài chính sẽ quyết định được tổ chức bộ máy và biên chế, giảm gánh nặng cho nhà nước, tạo điều kiện thu hút lao động xã hội. Cần từng bước xóa bao cấp đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

“Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).

Đón xem bài 3: Ngân sách oằn lưng “cõng” biên chế

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Bài 1: Khi bộ máy 'phình' ra
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước - Bài 1: Khi bộ máy 'phình' ra

Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, song thực tế còn không ít bất cập khi bộ máy đang "phình" ra và biên chế tiếp tục tăng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN