Nhân dịp này, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Tengku Datuk Seri Utama Zafrul đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur về kết quả chuyến thăm.
Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tới Malaysia lần này?
Malaysia rất vinh dự được đón Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm chính thức từ ngày 21-23/11. Hai nước là những người bạn lâu năm và đều là những thành viên không thể tách rời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tôi lạc quan tin tưởng rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ mang lại hiệu quả trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Việt Nam - Malaysia.
Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai nước đã nâng cấp quan hệ hợp tác song phương lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó cả Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Anwar Ibrahim đều nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính, bao gồm an ninh, quốc phòng, kinh tế số và hợp tác hàng hải. Quan hệ đối tác được nâng cấp phản ánh cam kết sâu sắc hơn đối với sự phát triển chung và quan hệ song phương chặt chẽ hơn. Chúng tôi tiếp tục mong đợi các hướng hợp tác lớn hơn nữa sẽ được thúc đẩy trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm vì điều này phản ánh mối quan hệ lâu dài giữa hai nước thành viên của ASEAN.
Có thể nói rằng mối quan hệ thương mại giữa hai nước đang ở thời điểm thuận lợi để triển khai nhiều dự án hợp tác mới, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh… Bộ trưởng đánh giá về điều này như thế nào?
Đã đến lúc thúc đẩy chương trình nghị sự về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Malaysia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Như bạn đã biết, trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, tôi đã có cơ hội gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chúng ta đã có thể hiểu rõ hơn ở cấp chính phủ với chính phủ về việc tăng cường thương mại trong các lĩnh vực hiện có như ngành Điện và Điện tử (E&E) cũng như ngành công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội cho các ngành công nghiệp khác mà chúng ta có thể hợp tác, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, nơi các công ty Malaysia tham gia chuỗi cung ứng thiết bị RE, dịch vụ RE và đầu tư. Ngành công nghiệp halal và an ninh lương thực cũng là những lĩnh vực quan trọng mà chúng ta có thể cùng nhau phát triển và chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong tương lai, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam cũng tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Thực phẩm và Đồ uống (F&B) và Chăm sóc sắc đẹp cá nhân tiếp cận các thị trường mới. Trong khi đó, Malaysia có thể cung cấp nền tảng cho các công ty Việt Nam khai thác thị trường halal toàn cầu, đây là một ngành công nghiệp tăng trưởng cao, có mục tiêu đạt giá trị hơn 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 11 của Malaysia trên thế giới và thứ tư trong ASEAN. Malaysia cũng là đối tác thương mại thứ 11 của Việt Nam. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm 2023 đạt 17,38 tỷ USD, giảm 10,6% so với năm 2022 khi đạt 19,43 tỷ USD. Nhóm 5 mặt hàng Malaysia xuất khẩu sang Việt Nam nhiều nhất gồm có sản phẩm Điện và Điện tử (E&E); Sản phẩm xăng dầu; Hóa chất và Sản phẩm từ hóa chất; Sản xuất kim loại; Dầu cọ và Dầu cọ & Sản phẩm nông nghiệp từ dầu cọ.
Năm 2025, Malaysia sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Xin Bộ trưởng cho biết Malaysia mong muốn đạt được điều gì trong năm ASEAN và Malaysia có kế hoạch gì để thúc đẩy và kết nối các nền kinh tế khu vực?
Malaysia rất mong chờ năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2025. Bối cảnh toàn cầu đã thay đổi rất nhiều kể từ lần gần nhất chúng tôi giữ cương vị này vào năm 2015. Với những diễn biến địa chính trị liên tục thay đổi, nền kinh tế thay đổi nhanh chóng và ngày càng dịch chuyển sang số hóa, cũng như quan điểm hậu đại dịch chắc chắn đã làm thay đổi thế giới quan của chúng ta.
Chủ đề năm ASEAN 2025 của chúng tôi là “Bao trùm và Bền vững” phản ánh cam kết của Malaysia trong việc dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy khu vực hướng tới tăng trưởng, như ngụ ý trong chủ đề, có khả năng phục hồi, bao trùm và bền vững cho ASEAN và hơn thế nữa. Trên thực tế, điều này có nghĩa là áp dụng một cách tiếp cận toàn diện trong việc phát triển nền kinh tế ASEAN và đảm bảo rằng các nhóm thiểu số, chẳng hạn như thanh niên, phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) được hưởng lợi đầy đủ từ các mục tiêu bao trùm của ASEAN.
Một lĩnh vực chính mà chúng ta sẽ tập trung là nền kinh tế kỹ thuật số và hợp tác với các quốc gia thành viên để tạo ra một nền kinh tế kỹ thuật số thực sự bao trùm và không biên giới. Như vậy, chúng tôi hy vọng Thỏa thuận Khung kinh tế số ASEAN (DEFA) - thỏa thuận kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới, sẽ được hoàn thiện. Khi đã hoàn tất một cách thành công, DEFA có tiềm năng tăng giá trị của nền kinh tế số khu vực lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030, bổ sung 1 nghìn tỷ USD so với quỹ đạo trao đổi thương mại bình thường. Điều này mang đến cho các quốc gia ASEAN như Malaysia và Việt Nam tiềm năng to lớn để khai thác nền kinh tế mới sinh lợi theo cách liền mạch và toàn diện. Bên cạnh lợi ích rõ ràng cho thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn đối với toàn bộ khu vực.
Khuôn khổ này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực trong các ngành công nghiệp trong tương lai như AI, trung tâm dữ liệu và có lẽ quan trọng nhất là an ninh mạng.