Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu khai mạc. |
Đây là một trong chuỗi các Hội thảo khoa học nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc để vận dụng vào quá trình cải cách khu vực công và nâng cao năng lực nhà nước của quốc gia, với sự tài trợ của Học viện Nghiên cứu Hàn Quốc (Academy of Korean Studies) của Hàn Quốc.
Hội thảo có sự hiện diện của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Lào) và Australia, Hàn Quốc.
Nói về mục tiêu của Hội thảo, Phó Tổng Thư ký Văn phòng Ủy ban Phát triển khu vực công Thái Lan Areepan Charoensuk cho rằng, đây là dịp để thiết lập đối thoại tích cực và hiệu quả về cách tư duy thiết kế và cách tiếp cận tư duy hệ thống, giúp tăng cường cung cấp dịch vụ công và bảo vệ tăng trưởng bền vững, toàn diện cho các quốc gia trong dài hạn.
“Mục đích cuối cùng của hội thảo là để cảnh báo và làm nổi bật tầm quan trọng của một khung khổ toàn diện về thiết kế dịch vụ và các phương pháp đồng sáng tạo. Nó là một phần thiết yếu của quản trị tốt… phấn đấu tăng cường chất lượng hoạt động của chính phủ”, bà Areepan Charoensuk nói.
Theo Tiến sỹ Seung-Ho Kwon, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, Hội thảo giải quyết những vấn đề thiết yếu của chính sách công - động lực phát triển của quốc gia, có giá trị phục vụ các hoạt động cải cách trong tương lai. Sự kiện này củng cố thêm mạng lưới nghiên cứu và quan hệ đối tác, thúc đẩy sự hợp tác và tình hữu nghị trong tương lai giữa các chính phủ, các tổ chức công, các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Trong phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước khẳng định năng lực của nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự thành công và phát triển của các quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ các nước Đông Nam Á đã thực hiện nhiều sáng kiến và nỗ lực cải cách để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị khu vực và quốc tế.
Trong 3 phiên chính của Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi, thảo luận về năng lực nhà nước đối với cải cách khu vực công và phát triển quốc gia; mở rộng mạng lưới nghiên cứu chiến lược giữa các Chính phủ, các thiết chế công, các nhà nghiên cứu của các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc. Các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm và việc thực thi chính sách đối với các cải cách trong tương lai đã được cam kết bởi các nhà cải cách ở Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đều có sự tiến bộ và đạt được những thứ hạng rất cao. Việt Nam cũng tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Để đạt được các kết quả trên, Chính phủ các nước Đông Nam Á đã có những sáng kiến, giải pháp thích hợp trong cải cách khu vực công và nâng cao năng lực của nhà nước.
Song, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng bên cạnh những thành công đã đạt được, các nước Đông Nam Á còn phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn phía trước mà nguyên nhân chính là sự bất ổn về môi trường kinh tế quốc tế và những thách thức nội tại trong mỗi quốc gia. Điều đó đòi hỏi mỗi quốc gia cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra các sáng kiến mới nhằm cải cách nền công vụ, xây dựng và nâng cao năng lực nhà nước để đáp ứng với bối cảnh tình hình quốc tế.
Từ thực tế Việt Nam, ông Triệu Văn Cường cho biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã được triển khai và đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực nhà nước. Tuy nhiên, cải cách hành chính ở Việt Nam còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nhiều tầng nấc trung gian; số lượng cán bộ, công chức, viên chức vừa thừa, vừa thiếu. Công tác cải cách tiền lương triển khai còn chậm, tiền lương chưa thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, công chức thực thi công vụ. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính chưa được cải thiện…
Nhận thức được các khó khăn, thách thức đó, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TW, trong đó đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách chính sách tiền lương…
Nhìn về cải cách khu vực công, Giáo sư Mark Turner đến từ Viện Nghiên cứu Hàn Quốc nhận định, ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, thời kỳ đầu hình thành và phát triển các cuộc cải cách khu vực công, chính phủ các quốc gia châu Á đã không ngừng đưa ra nhiều nỗ lực cải cách. Cải cách khu vực công tăng cường lợi thế cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm ngân sách, đáp ứng nhu cầu của công chúng về dịch vụ công. Quản lý công mới – NPM là phương thức quản lý nền hành chính công, khu vực công hiệu quả, nhưng cần thêm sáng kiến phản ánh bản sắc của khu vực để đảm bảo cải cách thành công.