Các tỉnh phía Bắc khẩn cấp đối phó bão số 8

* Nam Định: Sơ tán hơn 1.100 hộ của 3 huyện ven biển

Trước tình hình cơn bão số 8 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng chiều tối 28/10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nam Định đã tăng cường kiểm tra và đôn đốc công tác phòng chống bão, đặc biệt là công tác sơ tán dân; đồng thời kiểm tra các điểm neo đậu tàu thuyền tại 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Hải Hậu.

Đến nay, toàn bộ 2.080 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn, trong đó 2.018 tàu thuyền với 10.450 ngư dân neo đậu tại các điểm tránh bão của tỉnh, số còn lại neo đậu tại các điểm ở các tỉnh bạn như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Vũng Tầu. Hiện có 5 tàu ngoài tỉnh neo đậu tại tỉnh Nam Định.


Người dân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa di dời chạy bão ngày 28/10. Ảnh Nguyễn Thủy - TTXVN.


Về công tác di dời và sơ tán dân, Nam Định đã di dời 1.800 người tại các chòi canh vùng nuôi trồng thuỷ sản vào bờ tránh bão; sơ tán 1.108 hộ/4.417 hộ của 3 huyện ven biển.

Sở NN-PTNT cùng các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng và Hải Hậu cũng tiến hành kiểm tra toàn tuyến đê biển, trú trọng những điểm xung yếu, các công trình đang thi công, đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện cho công tác hộ đê. Huyện Nghĩa Hưng đã tập kết 20.000 m2 bạt chống tràn, 100 rọ thép, 200 m3 đá hộc; huy động 340 nhân lực và phương tiện, máy thi công tại đê Cồn Xanh cho công tác hộ đê. Do đoạn đê kè Nghĩa Thắng (k7+800 đến k7+850) đê biển Nghĩa Hưng rất xung yếu, huyện đã chỉ đạo hộ đê trước bão bằng biện pháp dùng cấu kiện bê tông có kích thước 100x200 cm xếp gia cố chân kè đoạn dài 60 m.

Các công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi các huyện vùng triều tận dụng chân triều thấp mở cống tiêu rút nước đệm, các huyện vận hành các trạm bơm điện lớn tiêu rút nước phòng chống úng. Cùng ngày, UBND tỉnh Nam Định cũng đôn đốc việc thu hoạch lúa mùa tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Nam Định còn hơn 5.800 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó có 3.300 ha lúa đặc sản chưa đến kỳ thu hoạch.


Hải Phòng: Khẩn trương thu hoạch lúa mùa


* Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, đến 16h ngày 28/10, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương cùng các cơ quan, ngành chức năng sơ tán hơn 380 nhân khẩu tại quận Đồ Sơn, huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 8.

Đến 16h ngày 28/10, huyện đảo Bạch Long Vỹ là địa phương chịu ảnh hưởng rõ nhất từ cơn bão số 8 với mưa to, gió cấp 10, giật trên cấp 10. Các địa phương khác có mưa nhỏ, mưa vừa. UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn huyện Bạch Long Vỹ tổ chức phòng chống bão, tổ chức neo đậu và đưa phương tiện nhỏ lên bờ đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; dự trữ lương thực thực phầm. Tại âu cảng của huyện đã có 373 phương tiện/1.1636 lao động trú tránh, đưa 181 phương tiện/223 lao động lên bờ. Đến nay, huyện chưa có thiệt hại do bão số 8.

Cùng với đó, UBND thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành thu hoạch lúa mùa trước khi bão vào. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, toàn thành phố đã tổ chức thu hoạch được hơn 33.000 ha lúa/tổng diện tích gieo cấy 40.679 ha. Các địa phương đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa còn lại.


Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng, các đại phương đang huy động tối đa mọi nguồn lực, các loại máy gặt đập liên hoàn để giúp dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa và rau màu đã đến kỳ thu hoạch. Đặc biệt ưu tiên thu hoạch trước diện tích lúa, rau màu ở những vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập úng cao.


Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã bố trí hơn 28.000 người sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão; chuẩn bị hơn 1.100 xe ôtô các loại, 152 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp, 20.843 tấn lương thực...


Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho hơn 4.500 phương tiện, lồng bè, chòi canh/15.206 lao động đang hoạt động và nuôi trồng hải sản trên khu vực biển Hải Phòng về nơi an toàn.

* Quảng Ninh: Thành lập 3 đoàn công tác chống bão


Ngay trong sáng 28/10, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các địa bàn xung yếu như thị xã Quảng Yên, TP Cẩm Phả, TP Hạ Long, huyện Vân Đồn.

Thị xã Quảng Yên, địa phương đã chủ động kêu gọi tàu, thuyền đang khai thác ở khu vực Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cô Tô về nơi trú bão; Kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ các tuyến đê, cống dưới đê, hồ đập trên địa bàn, đặc biệt chú trọng an toàn của tuyến đê Hà Nam, Đông Yên Hưng, hồ Yên Lập. Đặc biệt, chủ động các phương án tiêu thoát nước kịp thời cho diện tích hoa màu trên địa bàn.


Riêng TP Hạ Long cũng có phương án di dời các hộ dân ở khu vực Đồi Chè (phường Cao Xanh) là nơi có nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn xảy ra.


Tại khu vực làng chài Ba Hang, Vung Viêng, trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và huy động tàu hải quân di dời khẩn cấp toàn bộ người già, trẻ em vào bờ tránh trú an toàn.


Hiện toàn bộ 314 tàu, thuyền và hơn 400 lồng bè nuôi trồng thủy sản và các nhà bè trên biển ở những điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 8 đã được gọi về và neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão.

Huyện Vân Đồn đã thông báo, kêu gọi hơn 1.680 phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão; sẵn sàng các phương án di dời đối với hơn 4.000 nhà bè, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Huyện Cô Tô đã kêu gọi hơn 350 tàu, di dời các bè, mảng mắc cạn, tàu thuyền về nơi trú bão an toàn, đồng thời kiểm tra hệ thống các hồ đập thủy lợi; gia cố những khu vực trọng yếu của hệ thống đê, kè, gia cố một số nhà dân có nguy cơ sập nếu gió lớn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc phương án khi bão đổ bộ vào địa bàn; kiểm tra các kè chắn, chân bãi thải; nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, nhất là các bãi thải lớn tại những khu dân cư.


* Hà Tĩnh: Tiếp tục đối phó với bão


Đến nay, tại các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà và Kỳ Anh đã di dời, sơ tán hơn 400 hộ dân với trên 1.100 nhân khẩu đến nơi an toàn, đây là những hộ dân ở vùng ven biển, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do cơn bão số 8 gây nên. Huyện Thạch Hà đã tổ chức di chuyển 30 lồng bè tại hạ lưu cống Đò Điệm vào nơi an toàn, đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ và an toàn của công trình.

Tại Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) có gió lớn làm 28 thuyền của các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng vào trú ẩn bị sóng đánh được lực lượng bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tổ chức lai dắt vào neo đậu tránh bão an toàn.


Lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết: để đề phòng mưa lớn làm ảnh hưởng đến các công trình hồ, đập đang xây dựng dang dở, huyện đã huy động lực lượng đào tràn sự cố đập Khe Dài tại xã Phúc Trạch xuống cao trình 20,0m, rộng 5m với khối lượng đào đắp khoảng 250 m3 đất, đá để tránh bị vỡ thân đập.

Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng chỉ đạo Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng sử dụng 1 cần cẩu, 1 máy xúc, 15 công nhân, bảo dưỡng tu sửa hệ thống đóng mở cống Tây Yên ở xã Kỳ Thịnh do trước đó bị kẹt. Đến nay đã vận hành đóng mở được 4/5 cánh cống, còn 1 cánh đang tiếp tục sửa chữa.


Huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh chỉ đạo lực lượng vận hành, bảo vệ cống Đức Xá, trải ni lông bảo vệ thân đập Khe Môn đề phòng khi nước dâng lên cao chảy qua thân đập. Đây là công trình đang thi công do Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.


*Thanh Hóa: Cũng trong chiều 28/10, bão số 8 đổ bộ vào khu vực phía bắc Thanh Hóa. Với sức gió mạnh cấp 5 cấp 6, giật cấp 7, tại tuyến đường liên thôn, liên xã của các huyện ven biển nhiều cây bị gãy, đổ; biển quảng cáo, pa-nô, áp phích cũng bị gió xô đổ. Từ 17-18 giờ chiều, nhiều khu vực trong tỉnh Thanh Hoá bị mất điện. Hiện tại, một số xã khu vực ven biển vẫn chưa có điện trở lại.

Trước đó, trên đường vào tránh bão, đã có 1 tàu công suất 24CV của ngư dân xã Hải Ninh-Tĩnh Gia va chạm với một tàu khác tại Lạch Quèn-Nghệ An, làm vỡ mạn, nước tràn vào gây chìm tàu. Tuy nhiên, lao động trên tàu đều an toàn. Trưa 28/10, ở bãi biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cũng có 2 tàu mắc cạn khi đang trên đường vào bờ, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá đưa toàn bộ 6 lao động trên 2 tàu vào đất liền an toàn. Hiện tại, ở các huyện ven biển Thanh Hoá và khu vực Thành phố Thanh Hoá còn có gió to và mưa vừa.

Để khắc phục thiệt hại do bão gây ra, tại nhiều tuyến đường như Quốc lộ 10, đường liên huyện Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga Sơn người dân đã tập trung cưa, dọn cây đổ tránh ách tắc giao thông. Thanh Hoá tập trung triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ do hoàn lưu bão trong đó lưu ý các địa phương có hồ đập nhỏ, không đảm bảo an toàn không được tích nước hoặc tích nước một phần, đồng thời tính toán xả bớt nước ở những hồ đập lớn để tránh nguy cơ vỡ đập...

Đầu tháng 9 vừa qua, nhiều tuyến đê tả hữu sông Chu và nhiều tuyến đê sông con bị sạt lở. Mặc dù các địa phương đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, đắp hàn khẩu... nhưng nếu mưa lũ lớn trên địa bàn thì sự cố vẫn có thể xảy ra.


Nhóm PV

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Ninh Bình
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Ninh Bình

Chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 8 tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN