Các địa phương khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Điểm neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã họp khẩn trực tuyến toàn tỉnh, triển khai các giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu các cơ quan chuyên môn cập nhật thông tin liên tục về việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn, tránh trú, thoát khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; không cho tàu ra biển sau 18 giờ kể từ ngày 1/11; tại những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các xã ven biển, cho học sinh bậc tiểu học và mầm non nghỉ học vào chiều 2/11.

Các đội tàu cứu hộ chủ động, sẵn sàng khi có tình huống. Các địa phương sẵn sàng di dời dân khi cần thiết; khẩn trương vận động người dân chằng chống nhà cửa, nhất là tại các vùng ven biển; gia cố bờ bao tại những nơi xung yếu; vận hành hết công suất các máy bơm nhằm tránh ngập úng tại những vùng sản xuất lúa, hoa màu, nuôi cá…

Hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đang tăng cường công tác thông tin liên lạc với ngư dân kịp thời đưa tàu vào bờ hoặc vượt ra khỏi vùng nguy hiểm. Các lồng bè nuôi cá bớp dưới chân đảo Hòn Chuối đã được di chuyển sang vị trí tránh gió, không để người dân ở lại trên lồng bè, không còn người trực canh ở lại trên các vị trí đáy hàng khơi.

Tại cửa biển Sông Đốc và Khánh Hội, công tác chuẩn bị, giúp ngư dân phòng, tránh trú bão đang được gấp rút triển khai. Ông Lâm Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết địa phương đã thông báo cho hơn chủ 1.700 phương tiện xuất bến từ cửa biển Sông Đốc về tình hình áp thấp nhiệt đới. Ngành chức năng thị trấn Sông Đốc đã đến từng nhà dân tại cửa biển để tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú. Tại xã Khánh Hội, hàng trăm phương tiện của ngư dân đã vào bờ neo đậu.

Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, khả năng sẽ di dời khoảng 1.000 hộ sống tại các vùng ven biển, nơi có khả năng sạt lở cao vào những nơi tránh trú an toàn.

Hiện mực nước trên các các sông rạch ở Cà Mau đang lên, các huyện phía Bắc và thành phố Cà Mau có khả năng xảy ra ngập úng cục bộ ở các vùng trũng thấp, mực nước lên cao nhất là tại cửa sông gành hào ở mức từ 2 - 2,2m; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Còn tại Bến Tre, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến sáng 1/11, toàn tỉnh có hơn 1.400 phương tiện với 8.700 người đang hoạt động trên biển. Hiện có gần 800 phương tiện đã neo đậu tại bến, gần 150 phương tiện hoạt động ven bờ.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương thực hiện phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng", chú trọng kiểm tra các tuyến đê bao ven biển, cửa sông, cửa biển, khắc phục những nơi xung yếu có nguy cơ sạt lở. Tỉnh quan tâm đặc biệt đến sự an toàn của các hộ dân ven biển; có giải pháp cứu hộ, đề phòng sự cố nước dâng khi triều cường kết hợp với mưa to.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị các huyện, thành phố và các sở, ngành tỉnh triển khai thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thường xuyên cập nhật thông tin; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kiểm tra, quản lý chặt chẽ tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, các bến đò ngang, đò dọc…

Sáng 1/11, tại Bến Tre liên tục có mưa kéo dài. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã đến các địa phương ven biển để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Tại Sóc Trăng, sáng 1/11, UBND tỉnh  đã triệu tập họp khẩn bàn biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới. Tất cả thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai tỉnh được phân công xuống các địa bàn ven biển, trọng yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thông báo khẩn và cập nhật thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục 30 phút 1 lần để nhân dân chủ động ứng phó, phòng chống rủi ro, hạn chế thấp nhất thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra. Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai tỉnh kêu gọi tất cả các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gần bờ về hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.

Đối với các vùng trọng yếu ven biển, ven sông Hậu, tỉnh đã và đang cho kiểm tra kỹ lưỡng, duy tu, trực canh. Đối với những tuyến đò ngang, đò dọc trên sông Hậu, sông lớn, tỉnh chỉ đạo kiểm tra kỹ, nhắc nhở trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi; đề nghị tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các tàu đánh bắt hải sản của tỉnh, Trực ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thông báo đầy đủ về thông tin tình hình của áp thấp nhiệt đới, yêu cầu khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú tránh an toàn.

Tỉnh Sóc Trăng có 214 tàu đánh bắt ngoài biển với tổng số 1.192 thuyền viên đang khẩn trương vào bờ và giữ liên lạc với hệ thống thông tin ven bờ thường xuyên. Trong chiều 1/11, nhiều tàu khai thác sẽ vào bờ hoặc vào nơi trú tránh an toàn.

PV TTXVN tại các địa phương
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn Tuần lễ Cấp cao APEC
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn Tuần lễ Cấp cao APEC

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ cử Đoàn công tác làm việc với Ủy ban Quốc gia APEC, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ; đảm bảo tuần lễ APEC tổ chức tại thành phố Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN