Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ khu vực Nam Bộ

Sáng 1/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi họp khẩn nhằm bàn các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động gần khu vực bờ biển các tỉnh Nam Bộ.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 1/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 7,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển với tốc độ 15-20km.

Dự kiến đường đi của áp thấp. Ảnh: KTTV

Dự báo trong 24h tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão, khoảng chiều 1/11 bão sẽ đi vào Biển Đông. Đến 4h ngày 02/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Biển Đông cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24h tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ vĩ Bắc; phía Đông 115,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Dự báo 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, 24 giờ tới sẽ đi qua mũi Cà Mau với cấp độ 6-7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực Nam Bộ có lượng mưa lớn, đặc biệt khu vực ven biển Nam bộ, từ nay đến hết ATNĐ có lượng mưa từ 100-150mm.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 103,5-110 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn đề xuất, cần tăng cường thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, khắc phục tâm lý chủ quan trong ứng phó nếu có. Chỉ đạo quyết liệt phòng chống tai nạn ở trên biển, đặc biệt, trong điều kiện thời tiết hiện nay, đề nghị ngư dân cần tổ chức sản xuất theo các tổ đội để hỗ trợ lẫn nhau khi gặp các sự cố xảy ra.

Thiếu tướng đề nghị chủ động tổ chức phòng tránh thiên tai cho vùng tổn thương và vùng dễ bị chia cắt, phát huy lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời phát huy vai trò của các phương tiện di chuyển ngắn để di dân đến nơi an toàn, cùng với đó, thực hiện tốt công tác dự trữ lương thực, thực phẩm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với lực lượng Biên phòng theo dõi sát sao tình hình tàu thuyền do khả năng xảy ra tai nạn ở trên biển là rất lớn. Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi theo dõi chặt chẽ việc tích nước của các hồ chứa, điều hành quyết liệt nội dung này. Lực lượng dân quân tự vệ cần có các chỉ đạo tăng cường hơn nữa cho công tác ứng phó.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng, cần tránh tâm lý chủ quan trong việc ứng phó với thiên tai, đặc biệt khi khu vực ATNĐ đổ bộ là vùng ít có thiên tai và kỹ năng ứng phó với thiên tai của người dân không thường xuyên.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương theo sát thường xuyên ATNĐ, cảnh báo và chuyển tải thông tin, đặc biệt về diễn biến mưa để người dân nắm bắt và chủ động ứng phó. Đặc biệt đang diễn ra tuần lễ cấp cao APEC, lực lượng phòng chống thiên tai cần có các chỉ đạo, ứng phó đảm bảo thiên tai không ảnh hưởng đến hoạt động của APEC.

Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai tuyên truyền, truyền tải đến người dân thông tin về ATNĐ,diễn biến thời tiết; thường trực Ban Chỉ đạo kiểm soát đến từng địa phương, chỉ đạo cụ thể để các địa phương chủ động ứng phó.

Ngoài ra, mưa lớn cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thủy sản, vì vậy, Tổng cục Thủy sản cần có chỉ đạo để người dân có biện pháp chủ động, bảo vệ sản xuất. Về an toàn hồ đập, Ban Chỉ đạo, các địa phương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các hồ chứa lớn chuẩn bị các phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn hồ đập.

H.V/Báo Tin Tức
Áp thấp nhiệt đới tiến gần Côn Đảo, vùng biển phía Nam có mưa rào kèm lốc xoáy
Áp thấp nhiệt đới tiến gần Côn Đảo, vùng biển phía Nam có mưa rào kèm lốc xoáy

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 3 giờ ngày 1/11, áp thấp nhiệt đới đang cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh nhất mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN