Theo dõi phiên thảo luận qua các phương tiện thông tin, cử tri tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao công tác điều hành phiên họp cũng như chất lượng các phát biểu thảo luận của đại biểu. Cử tri Đắk Lắk cho rằng dù thời gian không nhiều nhưng với 31 ý kiến phát biểu, tranh luận của đại biểu cùng với giải trình của 2 “tư lệnh” ngành đã phản ánh “đúng”, “trúng” những những thành tựu của đất nước đạt được, những tồn tại hạn chế, đề xuất chính sách, giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả hai chương trình mục tiêu quốc gia trên.
Giúp kéo gần khoảng cách miền ngược - miền xuôi
Là cử tri và cũng là người nhiều năm làm công tác quản lý liên quan đến công tác giảm nghèo, ông Phạm Phượng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, cho biết: Những thành tựu trong thực hiện giảm nghèo bền vững của nước ta trong thời gian qua là to lớn, được thế giới ghi nhận học hỏi. Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là một chương trình giàu tính nhân văn, mang bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, kéo gần khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều biến động và khó khăn, nhưng tại Đắk Lắk công tác giảm nghèo rất được quan tâm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh thực hiện, trong đó có các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho địa bàn xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các đối tượng tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, gáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin).
Việc triển khai tốt các chính sách trên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bền vững. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh còn 7,91%, giảm 11,46% so với cuối năm 2015, giảm bình quân 2,29%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 17,4%, giảm bình quân 3,95%/năm. Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng, dịch bệnh, thiên tai…; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk Phạm Phượng, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, việc Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để tỉnh tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 1,5-2%/năm” và đề ra nhiệm vụ “Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững”. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; mở rộng thị trường và cơ hội việc làm cho người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, tập tung đào tạo các ngành nghề phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội; lồng ghép nguồn lực Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Nâng cao tính hiệu quả
Cử tri Y Wem H’wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai chương trình có hiệu quả hơn nữa, bố trí đủ nguồn lực và gắn với thực tiễn, đặc thù của từng địa phương. Để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả cao nhất, mang tính bền vững, cử tri kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có nghị quyết, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay và được vay ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo lao động đối với hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để họ được lao động trong các công ty, xí nghiệp để bà con có thu nhập, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Huyện Cư M’gar có 47% dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Vì vậy, trong thời gian tới, cư tri Y Wem H’wing mong muốn Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện, nông nghiệp ngành kinh tế chủ lực, là nguồn thu nhập chính của bàn con. Những năm gần đây, giá cả các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su liên tục biến động, xuống thấp, trong khi đó vật tư nông nghiệp không ngừng tăng khiến đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Vì vậy, Nhà nước cần có sự nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, đề ra những giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực nhằm ổn định giá cả, đầu ra, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, đồng tình với ý kiến của các đại biểu cho rằng qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên ngay từ những năm đầu, Đắk Lắk đã chủ động, quyết tâm, quyết liệt huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân để xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, sau 10 năm, toàn tỉnh huy động gần 40 ngàn tỷ đồng (trong đó, các hộ dân đã đóng góp khoảng hơn 2,8 ngàn tỷ đồng, hiến trên 1,7 triệu m2 đất, hơn 252 ngàn ngày công lao động...) để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.
Đến nay, lũy kế toàn tỉnh có 66 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 43,4% tổng số xã), tăng 59 xã so với cuối năm 2015. Phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào có vị trí, vai trò quan trọng trong các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn theo hướng khang trang, văn minh hơn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; đời sống người dân từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vững. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, chủ trương tiếp tục đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể” có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mục tiêu tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 65% số xã (tức 100 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 10% dạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn. Trong giai đoạn tới, cử tri đề nghị Trung ương tăng cường nguồn vốn hỗ trợ để địa phương có điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo đa chiều… góp phần giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Hoài Dương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu ban hành bộ tiêu chí về Chương trình nông thôn mới phù hợp điều kiện thực tế với từng địa phương; các cơ chế, chính sách và hướng dẫn ngay trong năm 2021 theo hướng ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh khó khăn, miền núi để giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền; có cơ chế, chính sách ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương cần tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng để phân bổ nhằm đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền.
Cùng với đó, cử tri đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn địa phương triển khai Chương trình trước hoặc cùng thời điểm giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ.