Qua đó, bảo đảm tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo "Đánh giá tình hình triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật" do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 21/10, tại thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Gần 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo, công chức Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch một số đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh khu vực phía Nam cũng được phổ biến những điểm mới trong Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2024 của Bộ Tư pháp ban hành Hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu "tiếp cận pháp luật" đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh; cũng như một số lưu ý trong thực hiện, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trước thực tế triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, địa phương, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều đại biểu đề xuất việc rà soát biểu mẫu tại các Quyết định, Thông tư; xây dựng phần mềm phục vụ việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để tạo thuận lợi cho địa phương. Bên cạnh đó, quy trình đánh giá cần được công khai, mở rộng đến các Tổ nhân dân tự quản…
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Bến Tre, trong năm 2023, toàn tỉnh có 154/157 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tỷ lệ 98,09%). Hiện Bến Tre có 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Mỏ Cày Nam đang được Trung ương thực hiện quy trình thẩm định xét, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại diện ngành Tư pháp Bến Tre cũng kiến nghị Bộ Tư pháp điều chỉnh quy định về thời hạn gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, tăng cường bổ sung kinh phí thực hiện tiêu chí "Tiếp cận pháp luật" đối với các địa phương có ngân sách hạn chế để nâng cao chất lượng công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp Ngô Quỳnh Hoa đánh giá, tiếp cận pháp luật là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền cơ sở; cần được thực hiện thường xuyên, khách quan, thực chất. Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, để người dân biết và hiểu rõ về công tác đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình thực hiện. Khi triển khai thực hiện, cần hướng dẫn cụ thể cho cán bộ và người dân về các tiêu chí, chỉ tiêu và nhiệm vụ liên quan đến công tác đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bám sát các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn khi triển khai thực hiện; đồng thời cần có tài liệu, bằng chứng để chứng minh các hoạt động đã thực hiện, đảm bảo tính chuyên nghiệp và đúng quy định.
Bà Ngô Quỳnh Hoa cho rằng, khi phân công trách nhiệm không nên đổ dồn trách nhiệm vào đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch mà cần phân công cho các công chức khác theo dõi, tham mưu thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Mặt khác, phải tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề tại cấp xã, hướng dẫn kịp thời để tránh tình trạng cuối năm mới "ồ ạt" thực hiện. Đối với Sở Tư pháp, cần tiếp tục quan tâm công tác hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho cấp cơ sở; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, bộ câu hỏi, phần mềm hỗ trợ để các xã, phường, thị trấn dễ dàng tiếp cận và giải quyết các vướng mắc; đặc biệt là định kỳ tổ chức các đợt tập huấn, kiểm tra chuyên đề để nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.