Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN. |
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về 3 nhóm vấn đề: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong đó, nội dung về quản lý mạng xã hội vẫn làm “nóng” nghị trường với hàng loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu. Cung cấp thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam có 300 mạng xã hội trong nước nhưng rất ít người sử dụng, hai mạng xã hội Facebook và Youtube chiếm lượng người dùng chính. Hiện nay chỉ có vài quốc gia có mạng xã hội phát triển như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga..., còn các nước khác đều lệ thuộc lớn vào 2 mạng xã hội này.
Trước đây ở Việt Nam có mạng xã hội Bamboo, Xa lộ nhưng do tiềm lực tài chính kém nên đã đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Hiện trong nước có nhiều mạng xã hội, có mạng đã lên đến 70 triệu người dùng nhưng so với các mạng lớn của nước ngoài thì vẫn khiếm tốn.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạng xã hội cạnh tranh được mạng toàn cầu thì chính sách phải đồng bộ, ưu tiên giảm thuế, phí, phát triển nội dung số để hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh; khi đó mới có cơ sở tin tưởng doanh nghiệp trong nước xây dựng được mạng xã hội cạnh tranh, thay thế Facebook, Goolge trong 5-7 năm tới.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, Việt Nam phải thực hiện mô hình "4 nhà", gồm nhà mạng viễn thông, nhà mạng xã hội, nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước cùng vào cuộc một cách tập trung mới hi vọng xây dựng hệ sinh thái số tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu thay thế được Facebook, Google. "Đây là vấn đề khó vì thói quen dùng và tính tương tác lớn của 2 mạng xã hội toàn cầu hiện nay", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết Việt Nam đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook... về vấn đề quản lý thông tin trên mạng xã hội. Riêng trên Youtube, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu nhà cung câps gỡ được trên 5.000 video độc hại.
"Lượng video đưa lên Youtube là rất lớn, do vậy cơ quan quản lý phát hiện video nào vi phạm thì sẽ chuyển họ xử lý. Quá trình làm việc với Goolge, Youtube, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được sự hợp tác tốt. Cần tiếp tục yêu cầu các mạng xã hội khác như Facebook phối hợp.", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai giải pháp quyết liệt quản lý thông tin trên mạng xã hội và tham mưu để ban hành sửa đổi 1 số văn bản pháp luật để quản lý tốt hơn, nâng mức xử phạt, vừa qua chúng ta xử lý được vi phạm phát ngôn với những cá nhân phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Cùng với đó, những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng vì cơ quan quản lý không thể rà soát hết được 53 triệu người dùng mạng xã hội.
Trong trường hợp không xác minh được danh tính người vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các nhà cung cấp như Facebook, Google, Youtube... phải gỡ bỏ các thông tin bôi nhọ, thông tin phản cảm, kích động biểu tình, chống phá nhà nước. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chấn chỉnh quảng cáo trên mạng xã hội, lợi dụng mạng viễn thông để phát tán qua tin nhắn điện thoại...
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có chính sách quản lý mua bán quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới theo luật quảng cáo. Bộ Tài chính có chính sách kiểm soát với việc kinh doanh của Google và Facebook tại Việt Nam, không có cớ gì họ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có nguồn thu lớn trên 100 triệu USD nhưng không đóng 1 đồng tiền thuế nào ở Việt Nam. Bộ Công an, các địa phương cần vào cuộc điều tra, xử lý vấn đề này.