Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về lãng phí SGK

Trước vấn đề bất cập trong sử dụng SGK hiện hành mà đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: thực trạng sử dụng SGK một cách lãng phí là có thật.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về việc lãng phí SGK thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sử dụng SGK một cách lãng phí thì có nhiều, song do thiết kế SGK hiện hành còn có nhiều dạng bài tập khiến các học sinh viết vẽ trực tiếp vào SGK dẫn đến không sử dụng được nhiều lần gây lãng phí. Mặc dù thiết kế này mang tính chuyên môn và các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng thực sự chưa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, gây ra sự lãng phí. Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp khắc phục, tuy nhiên hiệu quả của những giải pháp này là còn hạn chế.

"Hiệu quả của các biện pháp tránh lãnh phí sách giáo khoa còn hạn chế. Tôi xin nhận trách nhiệm" – Người đứng đầu ngành giáo dục nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Bộ trưởng khẳng định đã chỉ đạo nhằm hạn chế sự lãng phí này, hướng dẫn các thầy giáo, học sinh không viết vào một số loại sách mà ghi ra vở. Cùng với đó, Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa theo hướng tiết kiệm.

Về vấn đề đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề cập đến những sơ hở trong công tác bảo mật dẫn đến tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo kỳ thi này đạt hiệu quả cao hơn, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã rà soát quy trình của kỳ thi và đưa ra giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp căn cơ.

Thứ nhất, Bộ cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng câu hỏi để xây dựng bài thi chuẩn hóa, bám sát vào đánh giá năng lực của học sinh THPT và có sự phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của TƯ Đảng.

Thứ hai là chấm thi để không có lỗ hổng có thể bị lợi dụng.

Thứ 3 là siết chặt quy trình tổ chức thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai.

Bộ trưởng khẳng định, với 3 nhóm giải pháp trên, việc thực hiện kỳ thi THPT quốc gia sẽ hoàn thiện theo từng năm, để tiến tới kỳ thi trung thực, khách quan, giảm áp lực cho xã hội cũng như tạo sự công bằng cho thí sinh.

P.V/Báo Tin tức
Hai đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và Lưu Bình Nhưỡng tranh luận về con số sai phạm của cơ quan điều tra
Hai đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và Lưu Bình Nhưỡng tranh luận về con số sai phạm của cơ quan điều tra

Trước những vấn đề "sai phạm rất khủng khiếp" của các cơ quan điều tra mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ra sáng hôm qua, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN