Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trao đổi liên quan đến việc đánh giá các chỉ số này.
Hình thành văn hóa lấy người dân, tổ chức làm trung tâm
Qua 9 năm đo lường Chỉ số PAR INDEX và 3 năm đo lường Chỉ số SIPAS, theo Bộ trưởng, chỉ số này giúp ích gì cho cơ quan nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp?
Một trong 3 trọng tâm của công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng dịch vụ công, với mục tiêu đảm bảo trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020. Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, thể hiện Chính phủ, chính quyền phục vụ, vì dân. Đây không chỉ là một việc làm mới, khó, mà còn nhạy cảm, vì nó đòi hỏi Chính phủ, chính quyền dũng cảm lắng nghe ý kiến phê bình của người dân, tổ chức và người dân, tổ chức dũng cảm đưa ra những nhận xét thẳng thắn đối với Chính phủ, chính quyền.
Đánh giá xếp loại cải cách hành chính của các địa phương và các bộ, ngành là một trong những công cụ giúp cho Chính phủ quản lý được việc tổ chức thực thi nhiệm vụ của chính quyền địa phương, cũng như các bộ, ngành trong thực hiện đồng bộ 6 giải pháp cải cách hành chính.
Ông nhận thấy sự cải thiện đó hàng năm như thế nào và giá trị đạt được lớn nhất là gì?
Kết quả đo lường sự hài lòng người dân, tổ chức trong thời gian qua cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức mà Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp triển khai đã mang lại những kết quả, tác động nhất định. Kết quả, tác động đó không phải do chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước tự đánh giá như trước đây, mà là do người dân, tổ chức đánh giá và được lượng hóa qua các chỉ số. Hiện nay, người dân, tổ chức chỉ cần đến một điểm là bộ phận "một cửa" ở địa phương để nộp hồ sơ và nhận kết quả dịch vụ công mà không phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đi đến nhiều cơ quan, gặp nhiều công chức như trước đây.
Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian qua không chỉ giúp các cơ quan hành chính nhà nước thấy mặt được, chưa được của việc cung ứng dịch vụ công mà còn giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được người dân, tổ chức mong đợi gì ở chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó tìm giải pháp khắc phục tồn tại một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Việc đo lường này cũng như một hồi chuông gióng lên làm cán bộ, công chức, viên chức quan tâm, thay đổi nhận thức và hình thành văn hóa lấy người dân, tổ chức làm trung tâm, đáp ứng sự mong đợi ngày càng cao của người dân, tổ chức.
Tôi thấy giá trị đạt được lớn nhất là chúng ta đem lại niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Người dân bên ngoài khu vực nhà nước đánh giá về tổng thể cải cách hành chính hàng năm đều tăng lên, như năm nay đạt 85,1%. Điều quan trọng là chúng ta tạo điều kiện cho người dân thực hiện các nhu cầu thuận lợi hơn, chi phí về thời gian và chi phí vật chất ít tốn kém hơn. Bên cạnh đó, giúp cho Nhà nước nắm được yêu cầu của người dân và những phản ánh về thiếu sót, hạn chế của cơ quan nhà nước trong thời gian qua.
Thứ hai, đây là một nền tảng rất lớn để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo chủ trương của Chính phủ sắp tới, tiến tới Chính phủ điện tử. Đại dịch COVID-19 cũng là một trong những cơ hội để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng, cần phải nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của người dân. Đặc biệt trong tình hình mới, việc đổi mới phương pháp quản lý, cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế phải gắn với nhu cầu thực tế của người dân, để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Kết quả cải cách hành chính có sự đồng đều hơn
Bộ trưởng có thể cho biết một số điểm nổi bật về kết quả triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương năm 2019?
Qua đánh giá, cả Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ và cấp tỉnh đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng giảm dần qua các năm. Điều này cho thấy, kết quả cải cách hành chính giữa các bộ, giữa các tỉnh đang dần đồng đều hơn. Đáng chú ý là trong năm 2019, có 16/17 bộ và 62/63 địa phương có điểm đánh giá tăng cao hơn so với năm 2018.
Các chỉ số thành phần đều có sự cải thiện đáng kể so với năm 2018. Trong 7 chỉ số thành phần đánh giá cải cách hành chính cấp bộ thì có 6 chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình tăng cao hơn năm 2018; cấp tỉnh có 8 chỉ số thành phần đánh giá thì 7 chỉ số thành phần đạt giá trị trung bình tăng cao hơn năm 2018. Những tín hiệu tích cực về điểm số cho thấy công tác cải cách hành chính của các bộ trong năm 2019 đã có nhiều chuyển biến rõ nét; đồng thời, cũng ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của các bộ trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Theo kết quả khảo sát năm 2019, người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả cải cách hành chính ở các địa phương (tỷ lệ điểm trung bình đạt 84,51%). Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách cải cách hành chính tại địa phương. Kết quả thực hiện cải cách hành chính đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Qua xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh và cần sớm được khắc phục trong năm 2020, như một số bộ chưa hoàn thành việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019 hoặc đã hoàn thành nhưng có một số nhiệm vụ còn hoàn thành muộn so với thời hạn được giao. Công tác cải cách thể chế còn một số hạn chế, bất cập, giá trị trung bình đạt thấp nhất trong 7 lĩnh vực đánh giá. Một số bộ vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Một số địa phương chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra cải cách hành chính; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu và thực hiện thủ tục hành chính; tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Qua đánh giá đã chỉ ra, còn tình trạng một số địa phương bố trí công chức, viên chức chưa đúng với vị trí việc làm đã phê duyệt; sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của thanh tra, kiểm toán về công tác tài chính - ngân sách.
Công bằng, công khai và minh bạch
Bộ trưởng có ý kiến gì khi Bộ Nội vụ vừa là cơ quan chủ trì thực hiện đo lường các chỉ số này và cũng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nhưng chưa lần nào Bộ đứng đầu và cũng chưa bao giờ nằm cuối bảng xếp hạng?
Ông bà ta nói “thợ rèn không có dao ăn trầu”, điều đó nói lên một sự khách quan, tức là khi chúng ta đưa ra lĩnh vực và tiêu chí đánh giá thì phải đảm bảo công bằng, công khai và minh bạch, không đưa ra những lĩnh vực, tiêu chí đánh giá để có lợi cho mình mà không có lợi cho người khác, tôi có mà người khác không có, hoặc là tôi mạnh nhưng người khác yếu. Với cách nghĩ như thế thì trong rất nhiều năm Bộ Nội vụ chỉ nằm ở top giữa.
Thứ hai, bộ tiêu chí này chưa phải đáp ứng được yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực cũng như từng địa phương. Năm nay có điều chỉnh lại trong các lĩnh vực, các tiêu chí thành phần, tuy nhiên chúng ta sẽ từng bước có cách làm khoa học hơn nữa. Nếu đo lường chỉ số cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với các tỉnh miền núi thì không thể lấy một điểm chung để chấm điểm cho tất cả các lĩnh vực. Hoặc là một số bộ, ngành có rất nhiều lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như tài chính, thuế, ngân hàng, nên chỉ số được chấm điểm bao giờ cũng cao hơn, nhưng Bộ Nội vụ chỉ có hai lĩnh vực, đó là cấp phép hoạt động trong lĩnh vực văn thư lưu trữ và cấp phép hoạt động của các hội.
Bộ tiêu chí này cần phải tiếp tục chỉnh sửa. Chính vì vậy, năm 2018, chúng ta đánh giá, xếp hạng Chỉ số với 19 bộ, cơ quan ngang bộ nhưng năm 2019 chỉ xếp hạng 17 đơn vị, trừ Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ vì họ không có những chỉ tiêu, tiêu chí để đánh giá vấn đề này. Nếu không có tiêu chí mà vẫn chấm thì không có điểm, và vì thế chỉ số sẽ rất thấp. Đây là vấn đề chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, công bằng và sự đánh giá đó phải chính xác, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Riêng đối với Bộ Nội vụ, trong những năm qua đã có bước tiến bộ đáng kể. Bộ thực hiện tất cả các giải pháp có thể làm được, như mô hình tổ chức một cửa cơ quan hành chính, Bộ Nội vụ là đơn vị thứ hai trong các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Bộ cũng niêm yết công khai và thực hiện "một cửa" như chính quyền địa phương, áp dụng chuyển, nhận văn bản điện tử, họp trực tuyến... Bộ Nội vụ cũng là một trong những bộ thực hiện rất tốt việc áp dụng chữ ký số trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động cải cách hành chính trong lĩnh vực Nội vụ cũng còn hạn chế. Ví dụ, việc quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức hiện vẫn còn trên bản giấy, chưa có tư liệu, số liệu cụ thể như Bảo hiểm xã hội. Tôi mong muốn quản lý như Bảo hiểm xã hội, tức là có cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; như vậy, khi cần báo cáo không mất thời gian xin ý kiến, hoặc phải đề nghị các địa phương, bộ, ngành gửi lên. Bộ Nội vụ cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính lĩnh vực của ngành Nội vụ trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!