Cũng tại Hội nghị này, Bộ Nội vụ sẽ công bố Chỉ số hài lòng của người dân, của các tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019.
Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 được xác định ở 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), trong đó, hai cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Chỉ số này cũng được xác định ở 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 40 tiêu chí và 87 tiêu chí thành phần. Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 95 tiêu chí thành phần.
Phương pháp đánh giá về cải cách hành chính năm 2019 tương tự với các năm trước, đó là kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, của các tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (dùng cho cấp tỉnh). Căn cứ vào việc theo dõi thực tế, điểm tự đánh giá của các bộ, các tỉnh sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết trên cơ sở thực tế và tài liệu kiểm chứng.
Đánh giá thông qua điều tra xã hội học có ý nghĩa thiết thực, nhằm tiếp nhận thông tin đa chiều của các nhóm đối tượng về quá trình triển khai và những kết quả của cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Việc triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 20.000 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và trên 33.000 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội tiếp tục thể hiện đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức. Do vậy, việc đánh giá thông qua điều tra xã hội học đảm bảo độ chính xác, tin cậy trong thu thập thông tin, đánh giá về kết quả cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Nội vụ, báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 được phân tích kỹ lưỡng, tiếp cận đa chiều từ kết quả Chỉ số tổng hợp của từng bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho tới kết quả cụ thể tại từng lĩnh vực, tiêu chí và tiêu chí thành phần. Trong đó, có phân tích kết quả tác động của cải cách hành chính trên từng lĩnh vực của các bộ, các tỉnh thông qua kết quả điều tra xã hội học. Thông qua đó, các bộ, các tỉnh nhìn nhận được những điểm mạnh, điểm còn tồn tại, hạn chế để có phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Bộ Nội vụ cho biết, Chỉ số SIPAS 2019 được xây dựng dựa trên ý kiến phản hồi của 35.268 người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tỉnh, huyện, xã thuộc 16 lĩnh vực dịch vụ công liên quan đến cấp Giấy chứng nhận/giấy phép/xác nhận về quyền sử dụng đất, môi trường, lái xe, vận tải, xây dựng, quy hoạch xây dựng, văn hóa cơ sở, thể dục/thể thao, trồng trọt/bảo vệ thực vật, chăn nuôi/ thú y, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý nhà nước, kinh doanh, tư pháp, lao động, thương binh và xã hội.
Có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau vào quá trình triển khai SIPAS 2019, ở cả Trung ương và địa phương. Đây là năm thứ ba Chỉ số SIPAS được triển khai trong phạm vi cả nước. Kết quả Chỉ số SIPAS của 2019, tương tự như Chỉ số SIPAS 2018 và Chỉ số SIPAS 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân và các tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.