Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có đại diện các bộ, cơ quan: Công an; Quốc phòng; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Xây dựng; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ.
Nợ đọng nhiều văn bản, đề án
Nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế phải được quan tâm hàng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, pháp luật chuyên ngành.
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng luôn nhắc các bộ, ngành quản lý kịp thời, phát hiện vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Dù quyết liệt như vậy, nhưng tình hình nợ đọng văn bản vẫn còn rất nhiều.
Đến nay, còn 18 văn bản nợ đọng của các bộ, trong đó có 3 văn bản có lý do khách quan vì quy định về vấn đề rất mới, cần xin ý kiến các cơ quan chức năng một cách cẩn trọng, còn lại 15 văn bản chủ yếu chậm vì lý do chủ quan như cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo còn chưa tích cực; cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến trả lời còn chậm trễ, chưa đúng hạn; cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo chậm tiếp thu, tiếp thu không đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ nên phải trả đi trả lại, gửi đi gửi lại.
Trong các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2021, các bộ còn phải trình Chính phủ ban hành 49 văn bản, tổng cộng là còn 67 văn bản, trừ 2 văn bản Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình, còn 65 văn bản. Nếu không đẩy nhanh, không tích cực, không quyết liệt thì số văn bản nợ đọng gia tăng rất lớn.
"Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, kết quả kiểm tra cho thấy, việc ban hành nghị định còn rất nhiều, có những luật ban hành 15 nghị định, chưa kể 1 nghị định còn rất nhiều thông tư. Việc ban hành nhiều nghị định, thông tư rất khó cho doanh nghiệp, người dân.
Làm rõ hơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) Lê Hoàng Tùng cho biết, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 37 văn bản, còn nợ đọng 18 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực pháp luật, thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan: Tài chính, Công an, Nội vụ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra Chính phủ; trong đó nhiều nhất là Bộ Tài chính với 6 nghị định, tiếp đến là Công an 5 nghị định, Nội vụ 4 nghị định.
Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 9 tháng năm 2020, có 301 đề án phải trình. Đến nay, đã trình 266 đề án, còn nợ đọng 35 đề án, chiếm 11,6%, trong đó các bộ tham dự buổi kiểm tra hôm nay nợ đọng 28 đề án, chiếm 80% tổng số đề án nợ đọng. Ngoài ra, trong quý IV/2020, các bộ, cơ quan phải trình 156 đề án, trong đó, 10 bộ, cơ quan trên có 109 đề án, chiếm 70% trong tổng số đề án phải trình.
Như vậy, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng số 256 văn bản (65 văn bản quy định chi tiết; 191 đề án trong chương trình công tác). Trong đó, 10 bộ, cơ quan tham dự buổi làm việc phải trình 199/256 văn bản, chiếm 78%.
Một nghị định sửa nhiều nghị định
Giải trình tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, năm 2020, Bộ đăng ký 15 nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), đã trình 2 nghị định, xin lùi thời gian trình 2 nghị định sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là Nghị định về tổ chức đại diện người lao động và Nghị định quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể do có tính chất phức tạp, nhạy cảm, cần phải được nghiên cứu thêm. Các Nghị định này cũng liên quan mật thiết đến một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Công đoàn dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới. Số còn lại Bộ cam kết sẽ trình đủ trước ngày 15/10.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình 23/40 đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có văn bản xin rút ra khỏi chương trình 3 đề án (Nghị định quy định cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng, Báo cáo về xác định tiền lương tối thiểu theo giờ). Bộ cũng đề nghị rút khỏi chương trình công tác năm 2020, điều chỉnh sang năm 2021 đối với 4 đề án, lùi thời gian trình từ tháng 9 sang tháng 12/2020 đối với 2 đề án (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2020, Nghị định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm). Các đề án còn lại Bộ cam kết trình trong quý IV/2020.
Chỉ rõ việc ban hành tới 15 nghị định để hướng dẫn Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quá nhiều, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần gom lại, giảm bớt số lượng nghị định, nhiều nhất là 3 nghị định.
"Cách làm là đưa hẳn một khoản của nghị định này vào nghị định mới, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không có gì khó, đã có nghị quyết của Chính phủ, một văn bản sửa nhiều văn bản, dứt khoát phải chỉ đạo gom lại. Giờ ban hành nhiều thế này không chấp nhận được, một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết các văn bản, rất khổ", ông nói.
Nêu kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, giai đoạn 1 là ban hành 1 văn bản mới phải hủy 1 văn bản cũ, giai đoạn 2 ban hành 1 mới phải hủy 2 cũ và nước này hiện bước vào cải cách giai đoạn 3, ban hành 1 văn bản mới phải hủy 3 văn bản cũ, nên cán bộ các cơ quan không dám trình văn bản mới vì không hủy được văn bản cũ, ông đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tàu gương mẫu trong thực hiện quy định một nghị định sửa nhiều nghị định.
Cho rằng Nghị định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm rất quan trọng, liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử và các dịch vụ công, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm chỉnh sửa, trình Chính phủ để thúc đẩy việc chuyển đổi số, số hóa các dịch vụ công.