Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV:

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình về rút bảo hiểm một lần và chính sách tiền lương

Chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra phát biểu, tiếp thu, giải trình các vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm ơn các ý kiến đại biểu phát biểu tâm huyết, đóng góp nhiều nội dung quan trọng. Theo Bộ trưởng, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cho biết bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng khẳng định: Chính sách bảo hiểm xã hội được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống bảo hiểm xã hội.

Mục tiêu lớn nhất của quy định về bảo hiểm xã hội một lần là làm sao vừa thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước, để khi người già về hưu đều có lương, bảo hiểm y tế; đồng thời, cũng phải quan tâm đến đời sống thực tế hiện nay của người lao động, vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động là muốn rút bảo hiểm xã hội.  

“Đầu tiên là vì kinh tế khó khăn, nhưng cũng không hoàn toàn tất cả vì kinh tế khó khăn, còn nhiều lý do khác, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có những trường hợp rút bảo hiểm rồi lại muốn tham gia trở lại, muốn đóng trở lại. Cũng có nhiều người tham gia từ đầu”, ông Dung nói.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Nhắc đến nội dung hưởng bảo hiểm một lần, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, "điều này hoàn toàn không có trong Luật bảo hiểm của các nước, đặc biệt là các nước phát triển”.  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải, việc thiết kế nên quy định này là xuất phát từ chính nhu cầu của người lao động. Nghị quyết 93/2015/QH13 (về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động) ra đời khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa có hiệu lực, để giải quyết tình thế khi đó.  

Nhưng bây giờ, theo Bộ trưởng, cũng không thể bỏ được Nghị quyết 93, bởi sẽ nảy sinh những hệ lụy rất phức tạp về mặt chính trị, xã hội. Do đó, theo Bộ trưởng, nên duy trì nhưng trên cơ sở tính toán làm sao đạt hai mục tiêu như trên”.  

Với các mục tiêu vừa phân tích, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị). Đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo luật. 

Qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cũng tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích, theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đánh giá và cho rằng, nếu cộng hai phương án thì cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong hai phương án mà Chính phủ trình. 

“Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn phương án 1, rất ít người đề xuất phương án 2. Bộ cũng tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến nhóm ý kiến đề xuất tăng các chính sách, thời gian cho chế độ ốm đau, thai sản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là ý kiến xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận.  Tuy nhiên, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo luật này, chúng ta đã đưa nhiều chính sách tân tiến hơn, tốt hơn so với Luật năm 2014, như: Tăng quyền lợi trong trường hợp ốm đau nghỉ dưới 1 ngày; Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 14 ngày trở lên; hay người ốm nghỉ 14 ngày trong tháng thì tiếp tục được hưởng các chính sách…  

Theo Bộ trưởng, quỹ ốm đau, thai sản là quỹ ngắn hạn, mang tính chia sẻ cao nhất trong tất cả các Quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng mấy năm qua quỹ bị âm, thu không đủ chi.  Ông dẫn chứng, tỷ lệ chi trên thu năm 2017 bị âm 2,13%, năm 2019 âm 2,85% và năm 2023 mới cân bằng thu chi. Nếu tăng các chính sách lên thì không đảm bảo thu. Hiện nay thu 3%, nếu tăng lên nữa trong thời điểm này là chưa phù hợp. Bộ đang muốn giảm các quỹ ngắn hạn khác, nhưng riêng ốm đau, thai sản hiện nay chưa cân đối được.  Nhấn mạnh, chính sách và nguyện vọng rất xác đáng, song Bộ trưởng lưu ý, trước mắt cũng phải làm sao hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối của quỹ, giữa khả năng chi và thu. 

Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng cho biết Nghị quyết 28 nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Nghị quyết 42 cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60% nên việc mở rộng bảo hiểm xã hội là tất yếu. Bộ trưởng nêu rõ: Những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, thì quy định ngay trong luật này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp; hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.

Trước băn khoăn về việc bỏ khái niệm “mức lương hưu thấp nhất”, Bộ trưởng giải thích, mức này chỉ đúng ở thời điểm nhất định. Việc bỏ mức lương hưu thấp nhất không có nghĩa là không còn người tham gia BHXH ở mức thấp hơn. “Đóng thấp hưởng thấp, nhưng thấp còn hơn không, điều quan trọng là có bảo hiểm y tế”, ông nói.

Liên quan đến cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cái khó nhất là... không có tiền, nhưng lần này đã có. Đây cũng là vấn đề mới, phức tạp, cốt lõi là trả lương theo vị trí việc làm, nên phải xác định được vị trí việc làm. Trong khi đó, vị trí việc làm phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài và thường xuyên.

Bộ trưởng cũng cho rằng, quy định mức tham chiếu thay mức lương cơ sở, bản chất không có vấn đề gì. Nếu cần thiết, mức lương cơ sở 1,8 triệu hiện nay vẫn áp dụng được. Nhưng nếu đến năm 2026 bỏ mức lương cơ sở, thì lấy gì thay thế? Do vậy, theo Bộ trưởng, đây không phải là vấn đề lớn.
Đối với vấn đề hưu trí, ông Dũng nói, Thường trực Chính phủ đã họp và Bộ đề xuất người hưởng lương hưu từ 1/7 – khi cải cách tiền lương với công nhân viên chức, thì cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể.

"Có thể 6 tháng cuối năm nay và đầu năm 2025 chúng ta cân bằng quỹ, chứ không có kết dư. Chấp nhận điều đó để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí", Bộ trưởng khẳng định.

Kết luận ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 55 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận.  Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ. Các đại biểu Quốc hội phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao.  

Tổng Thư ký Quốc hội sẽ khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị đại biểu Quốc hội để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ.  

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của kỳ họp Quốc hội trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.

Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội và chất lượng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo luật hay không thông qua trong giai đoạn sau của kỳ họp.

Thu Trang/Báo Tin tức
'Nóng' các phương án quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần
'Nóng' các phương án quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN