Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn đã khái quát những nét cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo đó, 6 tháng đầu năm, kinh tế tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng tăng 7,56%, xếp thứ 12/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sát sao. Công tác lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được chỉ đạo kịp thời, đúng quy định. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhất là đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Công tác quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đảm bảo, kịp thời. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được tháo gỡ. Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất ngày càng được tăng cường.
Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Công tác thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Không còn diễn ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được các cấp, các ngành chú trọng, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về đất đai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết thực tế triển khai, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Ninh Bình đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tỉnh mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với tỉnh có giải pháp tập trung tháo gỡ liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn; thực hiện các luật, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường như: cần có phương án, giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các khu, cụm công nghiệp; xử lý chất thải rắn, nước thải, rác thải sinh hoạt…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc mong muốn các vấn đề đang đặt ra tại địa phương sẽ từng bước được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp giải quyết hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đề nghị được Bộ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch sử dụng đất; có hướng dẫn cụ thể trong việc trả tiền thuê đất hằng năm và 1 lần cho nhà đầu tư; tham mưu, sửa đổi chính sách đền bù đối với đất vườn, ao khi thực hiện các công trình, dự án; vấn đề về thời hạn thuê đất; hướng dẫn địa phương tích hợp thông tin các chỉ số thời tiết, khí hậu ở các khu, điểm du lịch...
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn mong muốn, sau chuyến công tác làm việc tại tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu, có những chính sách cụ thể, đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, từ đó khơi thông, tạo động lực mới để xây dựng Ninh Bình ngày càng phát triển, tạo những giá trị cốt lõi, riêng có của vùng đất cố đô ngàn năm văn hiến.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của tỉnh. Bộ trưởng gợi mở và đề nghị trong thời gian tới Ninh Bình cần quan tâm tập trung cao cho công tác quy hoạch tỉnh, các quy hoạch ngành để đưa vào quy hoạch Kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý; tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy kinh tế theo hướng công nghệ cao, sử dụng ít diện tích đất, nhưng mang lại giá trị cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Ninh Bình cần lưu ý phát triển phải đi đôi với quan tâm bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ kịp thời để Ninh Bình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ sửa đổi để hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Khoáng sản… Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân cấp, phân quyền để cho các địa phương chủ động xây dựng chính sách và định hướng phát triển cho phù hợp.
* Trước đó, Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn).