Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Chú trọng vấn đề lao động, việc làm Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trả lời rất thẳng thắn, tập trung, ngắn gọn và thể hiện trách nhiệm cao. Theo đại biểu, một trong những hành động thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị rất cao của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là ngay từ cuối Kỳ họp thứ 4 đến đầu Kỳ họp thứ 5 đã trực tiếp xử lý 208 đơn thư khiếu nại của công dân một cách rất kịp thời. Sự quyết liệt đó được các đại biểu cũng như cử tri cả nước rất ủng hộ. Điều mà đại biểu tỉnh Thanh Hóa tâm đắc trong phần chất vấn, đó là Bộ trưởng đã tìm ra nguyên nhân cơ bản và bất cập của thị trường lao động đó là cơ cấu lao động bất hợp lý, từ đó đưa ra những giải pháp phát triển việc làm bền vững để hạn chế tình trạng thất nghiệp. Việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy năm 2018 là năm tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng chính là cốt lõi của thị trường lao động.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao việc Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quan tâm đến vấn đề đào tạo dạy nghề ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và trong doanh nghiệp. Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức hiện nay đang là 65% sang khu vực chính thức có việc làm bền vững và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn. Lĩnh vực xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, xuất khẩu lao động không phải bằng mọi giá mà phải xuất khẩu lao động sang các thị trường có hiệu quả, nghĩa là phải có thu nhập tốt, an toàn lao động và đảm bảo an ninh là cách nhìn nhận chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Đồng tình với đánh giá trên, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng các đại biểu đã hỏi rất nhiều vấn đề nhưng cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, Bộ trưởng nói khá rõ về việc lao động tại Việt Nam và người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, nhưng chưa thấy Bộ trưởng đề cập đến việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã đăng ký để thấy được tổng cung cầu trong thị trường lao động.
Giải quyết tốt vấn đề xâm hại trẻ em Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đánh giá, đây là phiên chất vấn "nóng". Tư lệnh ngành đã thẳng thắn và đưa ra cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề mà các đại biểu nêu. Trong số đó, vấn đề xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng được đại biểu và cử tri cả nước rất quan tâm. Phân tích vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chưa thực sự hài lòng vì các giải pháp đưa ra khá chung chung chưa có giải pháp nào mang tính căn cơ dù đã có Ủy ban quốc gia về trẻ em và 17 cơ quan tham gia vào việc chống xâm hại trẻ em.
Theo đại biểu, việc này cần sự điều tiết rất mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, có những biện pháp mạnh, quyết liệt để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em. Đại biểu cho rằng, hơn 8000 vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em được tòa án giải quyết trong những năm qua là số liệu chưa đầy đủ, chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Đây là loại tội phạm khá đặc thù và nhạy cảm, rất khó khăn trong việc chứng minh, vì vậy cần phải thật quyết liệt mới có thể khép tội.
Theo đại biểu thành phố Hà Nội, hệ thống pháp luật về trẻ em đã khá đầy đủ nhưng vấn đề là làm sao đưa ra những giải pháp để cụ thể để trẻ em thực sự được bảo vệ, từ đó giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. "Chúng ta đang thiếu một hệ thống tư pháp thân thiện để giải quyết cho các em, những đối tượng vị thành niên rất dễ bị tổn thương", đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Đại biểu Lê Công Nhường cho rằng nên có biện pháp mạnh mẽ hơn bằng nhiều cách. Theo đại biểu, Việt Nam nên tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đã sử dụng như áp dụng công nghệ thông tin đối với những người đã có tiền sử về xâm hại tình dục bằng cách gắn con chíp vào họ để khi đến gần trẻ em sẽ bị cảnh báo và phát hiện. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi thì khẳng định, dù Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề trẻ em bị xâm hại, bạo lực, nhưng đây là vấn đề nhức nhối, đáng lo của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cả nước. Nếu các cơ quan chức năng không tập trung giải quyết thì hệ luỵ đối với xã hội sẽ rất nguy hiểm.