Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (ảnh) đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trao đổi về các vấn đề giáo dục.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay một số trường đại học đã công bố điểm thi, trong đó điểm thi môn lịch sử được cho là rất thấp, ông suy nghĩ như thế nào về việc này?
Kỳ thi đại học là kỳ thi để tuyển chọn người giỏi hơn nên đề thi có tính phân hóa cao. Đây không phải kỳ thi nhằm đánh giá kiến thức của học sinh phổ thông, nên việc có nhiều học sinh đạt điểm dưới trung bình môn lịch sử cũng như các môn khác cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên khi kết quả thi môn lịch sử thấp hơn các môn khác thì cần quan tâm và bản thân tôi cũng rất trăn trở. Tôi nghĩ dạy sử chính là để dạy cho học sinh hiểu biết thế giới xưa và nay, hiểu được truyền thống tốt đẹp của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Nên kết quả thấp như vậy cũng không thể xem nhẹ và cần phải phân tích, đánh giá một cách khoa học để rút ra những kết luận cần thiết.
Học sinh học kém môn lịch sử có trách nhiệm của ngành giáo dục. Chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khoa học lịch sử và các cơ quan khác để đổi mới phương pháp dạy học và có các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Có ý kiến cho rằng, kết quả học kém môn lịch sử cũng như các môn khoa học xã hội khác là do ngành giáo dục đã quá chú trọng hô hào các em học ngoại ngữ, tin học...?
Tôi nghĩ, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, phải nhìn thấy rõ những nguy cơ và thách thức của thời đại để có các nhận định đúng và giải pháp phù hợp.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải dạy và học ngoại ngữ, tin học ngay từ các cấp học dưới. Trong hoàn cảnh đó, việc dạy và học lịch sử, văn học và một vài môn khác không được như trước cũng là điều dễ hiểu. Còn có một nguyên nhân khác nữa: Các bạn hãy nhìn rộng ra các nước khác sẽ thấy, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng thế hệ trẻ xao nhãng, thờ ơ với văn học, lịch sử, cũng như các môn khoa học xã hội nói chung. Điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Vì sao? Theo tôi, vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại, cũng như cơ hội tìm việc làm, cơ hội có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn, không nhiều như các lĩnh vực khác... Đó là vấn đề mang tính thời đại, do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi của đời sống xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động.
Trong khi đó ngoại ngữ và tin học được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình do dễ kiếm việc làm và thu nhập cao hơn. Tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn rõ xu thế tác động của thời đại, nhìn rõ quy luật khách quan này, để có các định hướng đúng và chú ý xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ.
Nhiều chuyên gia lịch sử lại cho rằng, đây là kết quả của việc dạy và học lịch sử chưa lôi cuốn, quá chú trọng chi tiết và còn mang tính nhồi nhét trong nhà trường? Bộ trưởng có đồng ý về điều này?
Đây là một ý kiến đúng nhưng chưa đủ. Tôi nghĩ, nếu dạy sử mà chỉ hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ chi tiết máy móc, nay nhớ xong, mai lại quên thì không đúng. Điều quan trọng là phải hướng đến mục tiêu giúp các em tiếp thu được tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc qua mỗi bài học lịch sử, từ đó mà xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc, với đồng bào.
Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan mà cho rằng học sinh bây giờ không cần nhớ điều gì cả. Những ngày tháng đã trở thành sự kiện, thành dấu ấn, thành máu thịt đối với mỗi người Việt Nam thì phải dạy cho các cháu nhớ chứ! Ví dụ như: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ, ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc…, tất cả phải nhớ chứ! Là con Lạc cháu Hồng mà ngày Giỗ Tổ, ngày giỗ ông, bà, cha, mẹ, ngày lễ tết truyền thống không nhớ, thì còn đâu là nguồn cội, lấy ở đâu ra lòng yêu nước.
Việc đổi mới căn bản và toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học trong nhà trường, trong đó có môn lịch sử, đang ở giai đoạn khởi động, cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người.
Hoàng Gia Huy (thực hiện)