Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách công tác cải cách hành chính, Phó Trưởng ban Thường trực. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban.
Các ủy viên là đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế; Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch - Tài chính; Pháp chế; Đất đai; Môi trường; Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục trưởng các Cục: Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; Biển và Hải đảo Việt Nam; Biến đổi khí hậu; Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; Địa chất Việt Nam; Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Khoáng sản Việt Nam; Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Quản lý tài nguyên nước; Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Viễn thám quốc gia.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng, tổ chức, thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo Quy chế do Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ ban hành. Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, trực tiếp tham mưu, giúp việc Trưởng Ban Chỉ đạo và Phó Trưởng ban Thường trực; giúp việc Ban Chỉ đạo là Tổ công tác do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định.
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu, bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ đã đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo đó, trong tổng số 178 thủ tục hành chính được rà soát, Bộ sẽ thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa 153/178 thủ tục hành chính (đạt 85%). Cụ thể từng lĩnh vực: Đất đai: 12/17 thủ tục hành chính (chiếm 70,5%); địa chất và khoáng sản: 28/32 thủ tục hành chính (chiếm 87,5%); tài nguyên nước: 27/32 thủ tục hành chính (chiếm 84,3%); khí tượng thủy văn: 8/8 thủ tục hành chính (chiếm 100%; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo: 25/25 thủ tục hành chính (chiếm 100%); đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý: 1/3 thủ tục hành chính (chiếm 33%); môi trường: 52/62 thủ tục hành chính (chiếm 83,87%).
Chỉ số cải cách hành chính của Bộ năm 2022 (Par-index) đạt 86.59/100 điểm xếp thứ 6 trên tổng số 17 các Bộ, cơ quan ngang bộ, tiếp tục duy trì thứ hạng so với năm 2021. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ năm 2023 đứng thứ 3/17 bộ, ngành (có dịch vụ công). Bộ đã vận hành các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, ngành tài nguyên và môi trường trên môi trường điện tử, trực tuyến. Nền tảng kết nối, tích hợp dữ liệu của Bộ đã tích hợp với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, với 233 dịch vụ, 6 tháng đầu năm 2023 là 6.378.889 giao dịch. Số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ, 6 tháng đầu năm 2023 là 36.019 văn bản.