Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò của Hải Dương đã chủ động, tích cực có những đóng góp quan trọng vào thành quả trong công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng đề nghị sau buổi làm việc, cơ quan chuyên môn của Bộ và tỉnh Hải Dương xây dựng chương trình phối hợp công tác thời gian tới. Để việc hợp tác hai bên hiệu quả, hai bên cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin về chính sách, cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối với các đối tác trên các lĩnh vực. Cơ quan thường trực của Bộ Ngoại giao về công tác ngoại giao kinh tế hàng tháng cung cấp thông tin cho tỉnh về tình hình kinh tế thế giới và nhu cầu của các đối tác. Bên cạnh đó, Hải Dương cần chủ động đặt hàng với Bộ về các thông tin cần hỗ trợ, nhất là xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Tỉnh Hải Dương cần thông tin về kế hoạch các chuyến công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài của tỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các đơn vị, đại sứ quán hỗ trợ để các chuyến công tác đạt hiệu quả cao nhất. Bộ trưởng đề xuất tỉnh Hải Dương phối hợp, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các đối tác mới như Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu, khu vực Trung Đông. Trước mắt, Bộ và tỉnh tập trung tổ chức thành công cuộc gặp gỡ, giới thiệu về Hải Dương với bạn bè quốc tế vào năm 2024.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Hải Dương trong công tác phát huy vai trò ngoại giao văn hóa, nhất là trong quá trình hoàn thiện và trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Với khoảng 40 nghìn kiều bào người Hải Dương đang sinh sống ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ tỉnh tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối với kiều bào ở nước ngoài.
Tiếp thu các nhóm vấn đề Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ Ngoại giao đã nêu với Hải Dương tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh trong quá trình xúc tiến, thu hút nhà đầu tư là doanh nghiệp lớn ở nước ngoài. Tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện và mong muốn hợp tác, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư về lĩnh vực y tế, giáo dục chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân cho biết, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế Hải Dương tăng trưởng khá, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 7,01%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 13.995 tỷ đồng, đạt 79,3% so với dự toán năm; thu hút đầu tư tăng vượt bậc. Về đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký là 7.929 tỷ đồng, tăng gấp 10,2 lần so cùng kỳ năm trước; về đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 392,5 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ.
Về công tác đối ngoại, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác đối ngoại, triển khai các chỉ thị của Trung ương; tổ chức thành công đoàn xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ và Nhật Bản; một đoàn dự Lễ hội văn hóa Hwaseong tại thành phố Suwon, Hàn Quốc. Trong tháng 10/2023, Hải Dương tiếp tục phối hợp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại đầu tư tại Anh, Pháp, Bỉ… Công tác ngoại giao kinh tế được quan tâm thực hiện, nhất là xúc tiến đầu tư, thương mại. Hiện toàn tỉnh có 518 dự án FDI với vốn đăng ký 9,43 tỷ USD; trên địa bàn tỉnh có 3 dự án sử dụng vốn vay ODA với tổng 190.8 triệu USD. Về ngoại giao văn hóa, tỉnh đã phối hợp với Bắc Giang, Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.