Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá, ước đạt trên 16.600 tỷ đồng, tăng 2,9%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 260.836 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 69.200 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch đạt kết quả khá, thu hút trên 1,2 triệu du khách, doanh thu du lịch ước đạt 604 tỷ đồng, tăng 90%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 13.995 tỷ đồng, đạt 79% dự toán năm, tương đương cùng kỳ năm trước. Thu nội địa ước đạt 11.717 tỷ đồng, đạt 77% dự toán năm, bằng 98,7% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng qua, tỉnh Hải Dương đã tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư có chọn lọc. Tổng vốn đầu tư toàn xả hội ước đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến 18/9, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 7.438,3 tỷ đồng, vốn đã giải ngân 2.156,6 tỷ đồng, đạt 29%.
Về thu hút dự án đầu tư, Hải Dương đã thu hút 97 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 1.989 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới với 1.865 doanh nghiệp, tăng 29,9% so với cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký đạt 10.800 tỷ đồng; 52 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 232,5 triệu USD; điều chỉnh 26 lượt dự án, với tổng vốn tăng thêm 116,5 triệu USD, 9 lượt dự án góp vốn mua cổ phần với giá trị vốn góp 1 triệu USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương còn những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chậm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, đây là 3 tháng nước rút để về đích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm rất lớn, đòi hỏi quyết tâm, sự đoàn kết, đồng thuận cao của các sở ngành, địa phương để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, 3 tháng cuối năm, tỉnh có 6 nhiệm vụ trọng tâm, 17 nhóm giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển kinh tế các ngành, lĩnh vực.
Tỉnh tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các nhà đầu tư, các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án đầu tư trong và ngoài nước triển khai thuận lợi. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong các ngành, lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Giải pháp cho vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Hải Dương xác định chủ động tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công; lập kế hoạch giải ngân, điều chỉnh kế hoạch cho từng dự án, công trình cụ thể. Các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện dự án và giải ngân vốn hàng tháng và dự kiến giá trị giải ngân tháng tiếp theo. Đồng thời, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.
Cuộc họp cũng cho ý kiến về các nội dung khác như: thu chi ngân sách 9 tháng và giải pháp 3 tháng cuối năm; kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; chương trình phát triển đô thị thị xã Kinh Môn đến năm 2040, quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư mới xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc…