Bình Thuận họp khẩn ứng phó với bão số 9

Chiều 22/11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

Chú thích ảnh
Cuộc họp khẩn của UBND tỉnh Bình Thuận triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 9. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu, các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, thông tin liên lạc với ngư dân trên biển; đồng thời tổ chức, sắp xếp bến bãi để tàu thuyền neo đậu chắc chắn và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng giúp người dân di dời, chằng chống tàu thuyền khi bão đổ bộ theo kịch bản xấu nhất. Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc lệnh cấm tàu thuyền, các phương tiện ra biển hoạt động từ 16 giờ ngày 22/11.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án chống bão theo phương châm 4 “tại chỗ”, lấy cơ sở làm trọng tâm và túc trực 24/24, không chờ đợi và không chờ xin ý kiến. Các địa phương phải rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, xây dựng lực lượng giúp dân chằng chống, gia cố nhà cửa… tại các khu vực ven biển, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản. Tại vùng xung yếu, vùng nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, vùng trũng và sạt lở…, các địa phương cần đề phòng sạt lở và có kế hoạch sơ tán nhân dân về nơi an toàn, đảm bảo tính mạng cho người dân.

Dự báo bão sẽ đổ bộ vào dịp cuối tuần, lượng khách du lịch đông, các địa phương trọng điểm du lịch không được chủ quan, phối hợp với chủ cơ sở du lịch chủ động trong việc cảnh báo và đảm bảo an toàn cho du khách, có phương án sơ tán du khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu, các ngành liên quan cùng UBND huyện Phú Quý khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển đến 12 giờ ngày 23/11 phải vào bờ hoặc tránh trú nơi an toàn và gia cố các lồng bè trên biển. Huyện Phú Quý phối hợp với ngành vận tải kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu khách, phương tiện vận tải.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý UBND huyện Tuy Phong phối hợp với Ban quản lý, Chủ đầu tư Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân xây dựng phương án đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người lao động, chuyên gia đang làm việc tại đây.

Hiện nay, tổng lượng nước tích trữ trong các hệ thống thủy lợi đạt 195 triệu m3 (đạt 75% dung tích hữu ích thiết kế). Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi kiểm tra và có phương án vận hành hồ chứa an toàn, chủ động điều tiết hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, giảm tối đa thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến mưa, lũ để kết hợp tích nước, chủ động chống hạn cho vụ Đông Xuân 2019.

Tính đến 13 giờ ngày 22/11, toàn tỉnh có 1.021 tàu, thuyền với hơn 4.400 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 189 tàu đang đánh bắt xa bờ. Đài thông tin duyên hải khu vực và các đồn Biên phòng đã thông tin đến từng hộ gia đình để liên lạc, thông báo về tình hình bão và kêu gọi tàu thuyền đang trên biển thực hiện tránh trú bão, di chuyển tránh khỏi vùng bị ảnh hưởng.

Hiện có 39 phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại tỉnh. Toàn tỉnh có 92 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Các chủ lồng bè đã được Ủy ban nhân dân các địa phương và Bộ đội Biên phòng thông báo về tình hình thời tiết để gia cố, chằng buộc an toàn.
Hồng Hiếu (TTXVN)
Phú Yên kêu gọi người nuôi cá lồng bè lên bờ để 'chạy' bão số 9
Phú Yên kêu gọi người nuôi cá lồng bè lên bờ để 'chạy' bão số 9

Tỉnh Phú Yên đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN