Theo dõi phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri cho rằng, ý kiến phát biểu của các đại biểu sôi nổi, chất lượng, thẳng thắn, mang tính xây dựng. Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Hà Nội, Tuyên Quang và Vĩnh Long, nhiều cử tri đánh giá, kết quả thực hiện "mục tiêu kép" của Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng ghi nhận. Cử tri cũng quan tâm đến vấn đề hỗ trợ người dân sinh sống ở vùng miền núi, khu vực sạt lở, vấn đề thủy điện, khắc phục hậu quả thiên tai…
Vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép”
Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", ngăn chặn dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đông đảo cử tri Thủ đô đều đánh giá mức tăng trưởng của Việt Nam từ 2 - 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh thế giới nói chung. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2021 GDP tăng từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.
Cử tri Nguyễn Duy Lục - hội viên Câu lạc bộ Thăng Long bày tỏ sự hài lòng bởi rất nhiều vấn đề "nóng" cử tri quan tâm đã được các đại biểu đưa lên bàn nghị sự, các đại biểu phát biểu xoay quanh báo cáo của Chính phủ, đã phân tích sâu sắc và đưa ra các giải pháp, kiến nghị để giải quyết vấn đề. Cử tri đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong kiểm soát tốt dịch COVID-19. Sự chỉ đạo và nỗ lực điều hành của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh đã một lần nữa cho thấy bản lĩnh của những người "chèo lái" con thuyền đất nước.
Cử tri Lương Công Trình, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cũng đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, cử tri Bùi Đức Vĩnh, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang cho rằng, năm 2020 thực sự là năm "khó khăn chồng chất khó khăn", cả nước phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19, nhanh chóng hành động để khôi phục phát triển kinh tế. Trước những khó khăn không nhỏ, nước ta vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh, không rơi vào suy thoái, an ninh năng lượng, lương thực đều được đảm bảo.
Nhiều cử tri tỉnh Vĩnh Long cũng đánh giá cao phần tham luận của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm và thẳng thắn trong từng vấn đề. Nhận định về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cử tri Dương Văn Cảnh, ở thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm tán đồng với ý kiến của đại biểu đối với kết quả thực hiện "mục tiêu kép" của Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Trong điều kiện hết sức khó khăn với những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, hậu quả nặng nề từ thiên tai, bão lũ... con số tăng trưởng từ 2% đến 3% GDP của nước ta là rất tuyệt vời so với các nước trên thế giới.
Cử tri Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long đánh giá, trong phiên thảo luận các đại biểu đã bám sát vào những vấn đề rất được của người dân và doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Không khí buổi làm việc có trách nhiệm, tập trung vào từng vấn đề rõ ràng, các nội dung đa dạng về lĩnh vực, đặc thù từng khu vực, địa phương. Một số câu hỏi và trả lời có dựa trên dẫn chứng về số liệu và cơ sở khoa học.
Về phát triển kinh tế-xã hội, cử tri Nguyễn Tường Nam quan tâm nhiều đến những ý kiến tốc độ triển khai vốn đầu tư công, cơ sở hạ tầng - đặc biệt là giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đánh thức tiềm năng của khu vực. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh tế khu vực phía Nam được xem là năng động vẫn còn có nhiều cơ hội để cấu trúc lại quy mô, ngành nghề, các mối liên kết, phát triển vùng trọng điểm từng lĩnh vực để phát triển bền vững... vì vậy cần tập trung thúc đẩy đầu tư công, có thêm dự án mới tạo hạ tầng phục vụ phát triển, không chỉ kết nối khu vực trong nước mà còn là đầu mối ra quốc tế.
Hỗ trợ người dân khu vực sạt lở
Trước tình hình lũ lụt, sạt lở đất liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, nhất là tại khu vực miền Trung, cử tri Bùi Đức Vĩnh, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang đồng tình với giải pháp Quốc hội xem xét, có chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với các tỉnh miền núi, coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trong khi đó, cử tri Lương Công Trình, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang mong muốn Chính phủ có những giải pháp về nguồn lực phù hợp để di chuyển người dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có đầu tư nghiên cứu, xác định nguyên nhân xảy ra sạt lở đất, lũ quét, có phương tiện theo dõi để khoanh vùng, cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa về tính mạng, tài sản của người dân mỗi khi thiên tai xảy ra.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của của đồng bào miền Trung, cử tri Dương Văn Cảnh, ở thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) kiến nghị, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ người dân miền núi có phương án thích ứng an toàn, cũng như xem xét di dân ra khỏi vùng sạt lở.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Theo cử tri Nguyễn Duy Lục - hội viên Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội), đây là vấn đề cấp bách cần quan tâm khi diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường để giảm bớt hậu quả do thiên tai gây ra. Cử tri hoàn toàn tán thành với đề xuất của đại biểu Mai Sỹ Diến là các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ. Các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.
Từ những vụ sạt lở núi, đồi gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua, cử tri cho rằng, Chính phủ cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng phát triển thủy điện tràn lan, không có quy hoạch vùng miền;"thủy điện cóc" kèm theo nạn phá rừng để tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra mà chính người dân trong khu vực phải gánh chịu.
Ấn tượng với những cố gắng vượt bậc trong phát triển thêm hàng triệu ha rừng mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, song cử tri Nguyễn Duy Lục cho rằng cùng với việc khai thác gỗ, xuất khẩu lâm sản cần bảo đảm rừng phòng hộ, "khai thác gỗ chỗ nào phải trồng lại đúng chỗ đó".
Còn cử tri Phạm Lương (tổ chức Helvetas Viet Nam) đặc biệt quan tâm đến vấn đề “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Cử tri cho rằng, đây là hai vấn đề cần có giải pháp toàn diện và thấu đáo. Đối với vấn đề được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề cập là phát triển nền nông nghiệp sạch, cử tri Phạm Lương cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng tốc hơn nữa để nền nông nghiệp nước ta vận hành theo hướng tạo ra các sản phẩm sạch vừa phục vụ người dân trong nước vừa mở rộng xuất khẩu.