Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp nhằm tạo bước đột phá cho sự phát triển của Thành phố.
Nhiều đại biểu chỉ rõ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố có vị trí chính trị quan trọng; đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đất nước. Vì thế, việc nghiên cứu để hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của Thành phố Hồ Chí Minh là thực sự cần thiết.
Tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đánh giá, điều này sẽ mở ra hướng phát triển mới trong công tác quản lý, giúp Thành phố có bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phát huy tính năng động, sáng tạo trong điều hành cũng như tinh thần làm chủ của người dân. Với Nghị quyết này, đại biểu kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bước phát triển bứt phá, vươn lên đúng tầm với vị trí chiến lược của mình.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhận định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là cần thiết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn do mô hình tổ chức hiện hành không còn phù hợp với điều kiện phát triển của Thành phố.
Về tên gọi của Nghị quyết, Chính phủ đề nghị xác định là “Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, áp dụng trực tiếp, lâu dài, chứ không áp dụng thí điểm. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Một số đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, Thành phố đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình là đề xuất phù hợp với thực tiễn hiện nay, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, mô hình chính quyền đô thị đã được Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm trong nhiều năm qua. Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, đây là một mô hình hiệu quả để quản lý xã hội, nhất là trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế thị trường. Vì thế, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, không nên thí điểm để giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời tăng hiệu quả quản lý trong thời gian tới.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 10 này.