Theo đó, Việt Nam tiếp tục thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các công ty đa quốc gia lớn, lan tỏa hiệu quả tới khu vực kinh tế trong nước và bảo vệ môi trường. Cùng đó, cơ cấu thu hút FDI được điều chỉnh hợp lý hơn với tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất trong các ngành kinh tế.
Bên lề Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm liên quan đến chủ đề này.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh): Chuẩn bị kỹ để đón “đại bàng”
Trong 9 tháng năm 2020, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ghi nhận mức hơn 20 tỷ USD. Tuy con số này chưa phải là cao bởi Việt Nam cũng phải gánh chịu ảnh hưởng chung của tình dịch COVID-19 bùng nổ căng thẳng trên toàn cầu, nhưng đây vẫn là những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận.
Kỳ vọng thu hút FDI của Việt Nam còn mong muốn cao hơn nữa và cần có sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương... để Việt Nam thực sự trở thành đích đến lý tưởng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.
Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh về việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong Luật Đầu tư mới sửa đổi, chúng tôi rất ủng hộ khi Chính phủ có phương án tạo cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam như: đất đai, thủ tục hành chính, thuế...
Có thể, sau này mức thuế cụ thể như thế nào sẽ được sửa trong Luật Thuế. Đại biểu Quốc hội cũng hy vọng chính sách thuế sớm được ban hành.
Đáng chú ý, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như trong xu thế dịch chuyển của các doanh nghiệp, tập đoàn, chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn nữa, để tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi để nắm lấy cơ hội.
Trên thực tế, chúng ta không chỉ nhìn vào một điều trong Luật Đầu tư mà có thể thu hút ngay các doanh nghiệp lớn của nước ngoài đến đầu tư. Mà bên cạnh đó cần phải tính đến câu chuyện cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nguồn nhân lực đáp ứng ra sao...
Đặc biệt, theo định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc thì còn yêu cầu cao hơn nữa bởi nếu vẫn áp các điều kiện thấp thì không thể thu hút nhà đầu tư có chất lượng. Nói cách khác, muốn thu hút được “đại bàng” thì phải có sự chuẩn bị kỹ hơn nữa.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị): Tạo điều kiện thông thoáng để hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dịch COVID-19 thúc đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, hình thành xu hướng rút vốn đầu tư quay trở về trong nước hoặc mở rộng đầu tư sang quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh.
Vậy nên, việc tiếp tục thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài trong thời kỳ khó khăn hiện nay phụ thuộc rất lớn vào chúng ta. Chúng ta cần các nhà đầu tư nước ngoài thì phải hiểu họ cần gì ở chúng ta.
Thứ nhất, các nhà đầu tư sợ nhất là sự chậm trễ thì chúng ta phải nhanh, các điều kiện, thủ tục hành chính phải thông thoáng, giải quyết theo phân cấp phải nhanh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có sự chậm trễ, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Thứ hai, về vấn đề mặt bằng, có tỉnh làm rất tốt nhưng ngược lại có tỉnh làm rất chậm.
Thứ ba, nếu chúng ta thực sự muốn các doanh nghiệp vào đầu tư thì phải có cơ chế khuyến khích. Trong khi cơ chế thì chúng ta chủ động được nên cần phải đáp ứng kịp thời. Nếu không, có rất nhiều nước sẵn sàng giơ tay và các nhà đầu tư thì luôn chọn cái tốt hơn.
Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã kịp thời khắc phục, song sự thay đổi nào cũng có khoảng chuyển tiếp. Theo đó, cái tốt được giữ lại, cái hạn chế được sửa đổi, nhưng không giờ để mất quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua rất nhiều luật liên quan, đặc biệt là Luật đầu tư, tạo nhiều cơ chế thuận lợi cho việc hút hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi đã có luật, đã có có hành lang pháp lý thì vấn đề phụ thuộc vào cơ chế thực hiện, phối hợp sao cho linh hoạt.
Đơn cử như một dự án công nghiệp vào đầu tư sẽ liên quan đến rất nhiều Bộ, ban, ngành và địa phương. Trong khi đó, cơ chế phối hợp hiện nay còn nhiều vấn đề. Nhiều địa phương kêu gọi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng không có cơ chế phối hợp giải quyết khiến cho việc giải ngân nguồn vốn này chưa thực sự hiệu quả.