Hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 88,55%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,92%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Các vụ xâm hại trẻ em, các vụ việc do người chưa thành niên gây ra được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...
Về an ninh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia". "Qua đấu tranh cho thấy các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong thời điểm tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp; lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng còn nhiều; tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp" - Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cơ quan chức năng đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).
Đáng chú ý, lực lượng Công an đã tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi.
"Thời gian qua phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi…", Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
9 giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm
Nhận định về kết quả phòng, chống tội phạm thời gian qua, theo Bộ trưởng Tô Lâm trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Ngoài ra hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang được hoàn thiện; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác này. Trong đó, có việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm; thực hiện các giải pháp phòng ngừa; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm… Bộ Công an đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đối tượng là pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật... Đồng thời đề nghị Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, như: công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra các vụ án, việc khởi tố các vụ án về môi trường...
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau: Mặc dù tình hình chung vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.
Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành đánh giá của Chính phủ và nhận thấy, năm 2020, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo Ủy bản Tư pháp, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.