Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Đoàn Bắc Kạn): Tăng phân bổ ngân sách cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao.
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như việc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Nhất là trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi, biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng như: lũ quét, mưa đá, hạn hán, xâm ngập mặn… gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân và hạ tầng cơ sở.
Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020. Chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch, việc giữ rừng chưa hiệu quả.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm (2012-2017) diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá rừng trái phép là 11%, còn lại 89% là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt; trong đó, phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
Trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đưa ra giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng, lấy phân vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển; trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ.
Theo Quyết định 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 thì đối với các tỉnh có diện tích che phủ rừng trên 50% được tính 2 điểm là rất thấp. Do đó, không đủ nguồn lực để các địa phương giữ rừng và để người dân ở các khu vực này yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.
Hơn nữa, trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng chống thiên tai. Do đó, Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đoạn 2021-2025 cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao. Đồng thời, có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cùng đó, giai đoạn vừa qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng lâm nghiệp và phát triển sản phẩm từ lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Bởi vậy, sản phẩm từ rừng mới chỉ là nguồn nguyên liệu chứ chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong khi đây lại là giải pháp giảm nghèo hiệu quả cho các địa phương, nhất là khu vực miền núi.
Diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở vùng miền núi là khu vực đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai cho hạ lưu vùng đồng bằng. Thế nhưng, tại các khu vực này, người dân mới chỉ được hưởng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp.
Do đó, họ chưa thể dựa vào rừng để có thu nhập ổn định và bảo đảm sinh kế. Trong kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa đề cập đến nhiệm vụ này. Bởi vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét có Chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu lâm nghiệp đối với khu vực các tỉnh miền núi.
Bên cạnh đó, cần coi phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời, là giải pháp kinh tế thúc đẩy xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trước mắt, tập trung đầu tư nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng như: đường lâm nghiệp, công nghệ và khu chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ rừng; xem xét nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng tương xứng. Đồng thời, có cơ chế thu hút xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư cho lâm nghiệp…
Đại biểu Nguyễn Xuân Cường (Đoàn Bắc Kạn): Yếu tố trọng yếu để phát triển môi trường
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 14,6 triệu ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và 4,3 triệu ha là rừng trồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận và có bước tiến vượt bậc. Bởi vì, năm 1990 Việt Nam chỉ có khoảng 9 triệu ha rừng với hệ số che phủ tương đương 27%. Thì đến nay, hệ số che phủ tăng lên gần 42%; trong khi, hệ số bình quân của thế giới đang là 29%.
Trong vòng 30 năm, từ nước có mức GDP thấp như vậy, Việt Nam quyết tâm xây dựng kinh tế bền vững và phát triển rừng được coi là yếu tố trọng yếu để phát triển môi trường.
Về nguyên liệu, từ 4,3 triệu ha rừng đã sản xuất 30 triệu m3 cho ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp. Hiện chúng ta có tới 4.600 doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực này. Năm nay, con số xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 13 tỷ USD về chế biến lâm sản.
Riêng về rừng tự nhiên, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã có chính sách khuyến khích để người dân giữ hơn 10 triệu ha rừng ngày càng tăng lên.
Cùng đó, chính sách chi trả môi trường rừng mỗi năm xã hội hoá được hơn 3.000 tỷ đồng. Kể từ ngày 22/10, Việt Nam đã chính thức ký với Quỹ Đối tác các bon trong Lâm nghiệp (FCPF) ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (RPA) bán 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng. Quỹ FCPF sẽ thanh toán cho Việt Nam trên 51 triệu USD. Thế giới ghi nhận Việt Nam tham gia trong phát triển bền vững.
Tuy nhiên, mặt trái trong 30 năm phát triển thì rừng tự nhiên cũng không thể được như ngày xưa. Chưa kể, trong thời kháng chiến, đế quốc Mỹ đã giải 77 tỷ lít chất hoá học xuống diện tích rừng miền Trung thì nay vẫn cần từng bước để phục hồi mới đạt được mức độ như trước.