Xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 22/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm không chỉ chủ rừng, mà còn ở đơn vị quản lý các cấp để nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục rà soát việc thực hiện 14 chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 để thời gian tới tổng kết và chuyển sang giai đoạn mới. Bộ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc xây dựng Chiến lược thời gian tới phải có tính đột phá, khả thi từ cơ chế, chính sách, phương thức... để có diện tích rừng phát triển bền vững, ngành kinh tế lâm nghiệp hiệu quả. Cùng với đó là việc lập Quy hoạch cấp tỉnh, Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia,

Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích có rừng gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên năm 2019 đạt 45,92%.

Khu vực này tuy có diện tích rừng trồng luôn tăng khá, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại vẫn tiếp tục bị suy giảm, giảm 15.753 ha (năm 2019); tỷ lệ che phủ rừng giảm 0,09% so với năm 2018; 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk với 11.419 ha, Đắk Nông 7.156 ha và Gia Lai 494 ha.

Trong năm 2019, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp của khu giảm gần 19% so với năm 2018. Nhưng trong 5 tháng đầu năm 2020, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp ở khu vực này có dấu hiệu tăng trở lại, với 1.520 vụ, tăng 49 vụ, tương đương tăng 3,33% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những vi phạm về phá rừng và quản lý canh tác nương rẫy thì tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn diễn ra. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi còn nhiều tài nguyên rừng.

“Khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; hành vi chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra; tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Nguyễn Quốc Trị, do sức ép về phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng do dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác gây sức ép lớn lên rừng tự nhiên trong khu vực. Các công ty lâm nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ công ích, được hỗ trợ một phần kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, không đủ bố trí nguồn lực để quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng.

Trong khi đó, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý về bảo vệ rừng; chưa thường xuyên hoặc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, ngăn chặn để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ rừng ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ...

Đắk Lắk có diện tích rừng và đất lâm nghiệp năm 2019 tăng so với năm 2018 với gần 12.800 ha, tuy nhiên, đây lại là địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm nhiều nhất trong khu vực. Theo ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng tự nhiên giảm do phá rừng; tăng diện tích từ các trạng thái đất chưa có rừng; đặc biệt là do suy giảm về trữ lượng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Để bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có của địa phương, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, phá, khai thác lâm sản trái pháp luật, xác định đường dây, “đầu nậu”; xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật.

Tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng, yêu cầu các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an… bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật. Tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ tình trạng di dân tự do từ các tỉnh khác cũng như trong tỉnh. Không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất; đảm bảo cuộc sống của người dân sống trong và gần rừng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên để đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, thời gian tới khu vực này sẽ bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Các địa phương, đơn vị sẽ ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; chủ động thực hiện tốt việc phòng cháy, chữa cháy rừng; đặc biệt là giảm căn bản diện tích rừng bị thiệt hại do các nguyên nhân khác nhau.

Bên cạnh đó, ngành rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ.

Ông Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường phối hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trọng điểm xâm hại rừng và chống người thi hành công vụ; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với các dự án đầu tư có sai phạm; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo giải quyết nhanh chóng tình trạng di dân tự do theo hướng ổn định đời sống và việc làm cho người dân. Cùng với việc xây dựng phương án toàn diện về bảo vệ phát triển rừng, xác định các vấn đề nổi cộm, các điểm nóng phá rừng để tổ chức ngăn chặn, xử lý, các cơ quan chức năng của địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ phá rừng, xử lý nghiêm các các tổ chức, cá nhân quản lý rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay cho lâm tặc để tình trạng phá rừng xảy ra trong thời gian qua. Mặt khác, bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Ngoài ra ngành cũng khẩn trương hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp, tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại để công ty lâm nghiệp hoạt động hiệu quả.

Bích Hồng - Tuấn Anh (TTXVN)
Nhiều áp lực trong quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk
Nhiều áp lực trong quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk

Trong những năm gần đây, nạn phá rừng tự nhiên tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN