Kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm quản lý, bảo vệ rừng
Cụ thể trong tháng 10, toàn tỉnh đã gieo trồng, xuống giống 46.939 ha cây hàng năm các loại; dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 10/12 huyện, thành phố, làm trên 57.000 con mắc bệnh, đã tiêu hủy hầu hết số lợn trên với trọng lượng gần 4.000 tấn; sản xuất công nghiệp tăng 8,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, tỉnh có 1.345 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.481 tỷ đồng. Các địa phương tiếp tục thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng với tổng diện tích 432.339 ha; trong tháng phát hiện và lập biên bản 63 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với diện tích thiệt hại 3,68 ha…
Người Phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, tỉnh đang thực hiện quyết liệt việc quản lý và bảo vệ rừng; sẽ không có vùng nào nương nhẹ, không có vùng cấm. Đối với vụ đầu độc gần 4.000 cây thông trên diện tích gần 11ha ở xã Tân Thanh, hiện cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trong quản lý vào bảo vệ rừng tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể vi phạm…
Chủ rừng có thể khởi kiện đơn vị cấp chồng lấn quyền sử dụng đất
Tại cuộc họp báo, phóng viên TTXVN nêu câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương, khi tỉnh và huyện đều cùng ra quyết định, cấp trùng diện tích đất rừng cho hai chủ thể, dẫn đến tranh chấp, xung đột quyền sử dụng đất. Ông Phùng Khắc Đồng cho biết, những trường hợp UBND cấp huyện cấp chồng lấn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân lên đất rừng do UBND tỉnh đã giao cho chủ rừng, chủ rừng có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân vi phạm ra tòa.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin vào tháng 8/2018, tại Tiểu khu 274A, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà đã xảy ra vụ chống người thi hành công vụ. Đối tượng Nguyễn Đức Long, sinh năm 1988 dùng dao chém vào đầu, vào cổ làm 2 nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai khi 2 nhân viên này cùng đoàn công tác vào giải tỏa diện tích đất rừng bị gia đình lấn chiếm. Nguyễn Đức Long sau đó đã đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình để khiếu nại việc giải tỏa sai, mới dẫn đến hành vi chống đối trên.
Đây chính là diện tích đất rừng được UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định giao cho Công ty Tân Mai quản lý để trồng rừng từ năm 2002, đơn vị này đã trồng thành rừng thông trên diện tích trên. Năm 2013, ông Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1965, cha của Nguyễn Đức Long) đã chặt phá cây thông trên diện tích 150m2 đất do Công ty Tân Mai quản lý. Qua các biện pháp xử lý của chủ rừng và chính quyền xã Gia Lâm, ông Tài đã nộp phạt và cam kết không vi phạm. Năm 2015, Công ty Tân Mai lại tiếp tục lập biên bản về hành vi ông Tài dùng máy cơ giới phá rừng, lấn chiếm diện tích đất rừng của đơn vị này, có sự tham gia của đại diện chính quyền xã Gia Lâm. Ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm có xác nhận vào tất cả các biên bản, báo cáo vụ việc này.
Tuy nhiên, ngày 19/9/2016, UBND huyện Lâm Hà lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 800851 do Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Minh An ký cho ông Nguyễn Đức Tài trên diện tích 2.914m2. Trong diện tích đất trên, có tới 1.547,7m2 đất đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Tân Mai trồng rừng từ năm 2002. Ngay sau đó 1 tháng, ông Nguyễn Đức Tài đã làm thủ tục cho tặng diện tích đất trên cho con trai là Nguyễn Đức Long. Khi nhân viên Công ty Tân Mai vào thực hiện giải tỏa hiện trường bị lấn chiếm, Nguyễn Đức Long đã tấn công đoàn công tác với lý do bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Sau khi sự việc trên xảy ra, chính quyền huyện Lâm Hà đã lập biên bản sự việc, nhưng lại cho rằng Công ty Tân Mai thực hiện việc giải tỏa sai. Tuy sự việc đã xảy ra từ hơn 1 năm qua, nhưng UBND huyện Lâm Hà không thừa nhận những sai sót trong việc ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân trên đất rừng đã có chủ. Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chưa có biện pháp xử lý hoặc chỉ đạo giải quyết đối với UBND Lâm Hà trong vụ việc trên. Bởi vậy, đến nay (ngày 25/10/2019) vụ việc trên chưa được xử lý và kẻ chống người thừa hành công vụ vẫn “bình yên”, thậm chí còn dọa kiện chủ rừng ra tòa vì xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo ông Phùng Khắc Đồng, hiện nay trên địa bàn 2 điểm nóng về vi phạm quản lý bảo vệ rừng là huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng, đoàn Thanh tra liên ngành đang làm việc và chưa có kết luận. Đối với những trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi có tranh chấp xảy ra như trường hợp phóng viên TTXVN hỏi, thì đơn vị chủ rừng có thể kiện người, tổ chức vi phạm ra tòa, chính quyền không giải quyết những vụ việc như trên…