Sáng 29/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc sau 27,5 ngày làm việc. Đánh giá chất lượng của Kỳ họp bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, với tinh thần tích cực, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, Kỳ họp này, các phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi tại Nghị trường với phát biểu thẳng thắn, tìm ra căn nguyên để đưa ra những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã đi đúng trọng tâm vấn đề đang tồn tại, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt” trong cuộc sống.
Thông qua nhiều dự án Luật
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là một kỳ họp đặc biệt, với nhiều chức năng nhiệm vụ của Quốc hội được thể hiện qua công tác lập pháp. Kỳ họp đã quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, trong đó có những quyết định liên quan đến công tác nhân sự.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, tất cả các vấn đề đều được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỷ lệ rất cao. Kỳ họp đã thông qua 11 Luật và 21 Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời, thảo luận lần đầu để cho ý kiến 11 dự Luật. Sau khi được Quốc hội thông qua, để tạo thuận lợi cho Luật sớm đi vào cuộc sống, quá trình xây dựng luật gần đây, bên cạnh dự thảo Luật đã có dự thảo các Nghị định, Quyết định, Thông tư.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, thế giới hiện nay có nhiều đặc điểm cần lưu ý khi có những yếu tố diễn biến phức tạp, bất định và rủi ro nên đòi hỏi thể chế pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương. Điểm sáng trong Kỳ họp lần này là trong 11 Luật được Quốc hội bấm nút thông qua, hầu hết đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Nhiều đại biểu bày tỏ ấn tượng về Kỳ họp thứ 7 và cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng khi thông qua rất nhiều Luật và Nghị quyết. Kỳ họp đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của Quốc hội là xây dựng thể chế, xây dựng luật. Các đại biểu tin tưởng, với các Luật được ban hành và sửa đổi bổ sung, hệ thống pháp luật sẽ giúp bộ máy Nhà nước vận hành tốt nhất, đảm bảo cho đời sống của nhân dân tốt nhất, kinh tế - xã hội phát triển và an ninh xã hội được đảm bảo.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết để có thể áp dụng được ngay các quy định này từ ngày 1/8 tới. “Khi mà đưa Luật vào cuộc sống thì chính vẫn ở địa phương triển khai thực hiện. Rồi tính đồng bộ và phối hợp giữa các luật. Phải làm sao trên thuận dưới thông, thông từ trên xuống dưới, mới dễ làm, chứ ra hướng dẫn rồi mỗi người một ý, trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì không thực hiện được. Không dám làm không dám chịu trách nhiệm, nó ở đây hết".
Bên cạnh đó, dự án luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được đặt lên bàn nghị sự khi liên tiếp có những hậu quả đau lòng do cháy nổ xảy ra. Dự thảo luật đã quy định cụ thể về mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh và quy trách nhiệm người đứng đầu nếu phát hiện có buông lỏng quản lý. Trong lúc chờ đợi hoàn thiện pháp lý, để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm thì giải pháp cấp bách là cần rà soát các mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh; xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống xảy ra cháy nổ, đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời, chuyên nghiệp.
Giải quyết những “điểm nghẽn” đang vướng mắc
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là một kỳ họp rất thành công, được thiết kế phù hợp và đạt nhiều kết quả, có nhiều thời gian dành cho các đại biểu nghiên cứu tài liệu, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, thẩm định hồ sơ để hoàn tất các công việc. Nhiều ý kiến khẳng định rất ấn tượng nhất về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành khi đã đi thẳng vào vấn đề còn tồn tại để đưa ra phương án giải quyết hiệu quả.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh), Kỳ họp thứ 7 đã hoàn thành tốt nội dung dự kiến đề ra. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung bổ sung, dưới sự làm việc tích cực của các cơ quan, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và góp ý của các đại biểu Quốc hội đã đảm bảo đầy đủ về mặt số lượng, chất lượng các dự án Luật đã được thông qua.
Có thể khẳng định, những quyết sách quan trọng được thông qua và những dự án luật có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như đảm bảo an sinh xã hội hay các vấn đề người dân rất quan tâm như cải cách tiền lương, các chế độ trợ cấp, lương hưu… sẽ sớm đi vào cuộc sống. Như vậy sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn và đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt sẽ tạo ra động lực lớn với phát triển kinh tế - xã hội, mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang), dù triển khai một khối lượng công việc lớn nhưng kỳ họp đã có sự sắp xếp chương trình và có thời gian hợp lý để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian để cân nhắc, thảo luận sâu, có chất lượng. Quốc hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng và nhiều dự án luật, trong đó, nhiều dự án luật được thảo luận thấu đáo và được thông qua 100%. Điều này thể hiện sự chuẩn bị kỹ càng từ phía Chính phủ cũng như vai trò thẩm tra của các Ủy ban, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các dự án luật được thông qua với sự đồng thuận và nhất trí cao.
Khẳng định đây là kỳ họp thành công, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng, Quốc hội đã nghiên cứu và thảo luận có chất lượng đối với cả những nội dung rất khó như: Luật Quy hoạch biển, Luật Dược, Luật Địa chất Khoáng sản… trong quá trình thảo luận đã đề cập được những vấn đề mà cử tri quan tâm.
"Kỳ họp lần này, thời gian dài hơn một tuần và các thảo luận nhóm cũng được tăng số lượng rất nhiều so với kỳ họp trước. Đặc biệt, nhiều dự án Luật đã được thông qua. Tôi hy vọng sau khi các Luật ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý để giúp cho người dân thuận lợi hơn trong cuộc sống cũng như kinh doanh", đại biểu Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều kỳ vọng, những dự án luật có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội mà người dân quan tâm như: vấn đề cải cách tiền lương, các chế độ trợ cấp, những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội được thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống để giải quyết những "điểm nghẽn" cũng như đáp ứng được thực tế phát sinh trong các lĩnh vực.