Bên lề Quốc hội: Phát huy cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ Thanh Hóa phát triển

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên-Huế.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP Hải Phòng thảo luận ở tổ. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với các tờ trình về cơ chế, chính sách đặc thù đối với 4 tỉnh. Quá trình chuẩn bị chính sách đặc thù cho 4 tỉnh chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, có cơ sở thực tiễn cao. Dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi cao, có tác dụng lan tỏa vùng miền, đề cao tính tự lực, tự cường, sáng tạo, năng động của từng địa phương.

Đại biểu Nguyên cũng kiến nghị để lại 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Về biên chế công chức, viên chức, đại biểu cho rằng cần tương xứng với quy mô dân số của tỉnh bởi số công chức, viên chức trên địa bàn hiện nay vẫn còn thiếu và chưa tương xứng với quy mô dân số.

Đánh giá về phiên thảo luận, ông Mai Văn Hải, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận xét: Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo nên có những đề xuất cụ thể, xác đáng để phát huy cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ địa phương phát triển. Nội dung, ý kiến thảo luận rất phong phú, đa dạng, sâu sắc. Các ý kiến ngắn gọn, dễ hiểu.

Đối với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đại biểu cho rằng là rất cần thiết bởi Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 5 về diện tích, đứng thứ 3 về dân số trên cả nước. Tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi “địa linh nhân kiệt”, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kết nối Đồng bằng sông Hồng với khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có đầy đủ 5 loại hình giao thông nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc-Nam.

Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010-2020), Thanh Hóa có nhiều đột phá trong phát triển, đặc biệt là về tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư; quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm đầu cả nước. Tỉnh có cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ vừa qua như Khu Kinh tế Nghi Sơn, Cảng nước sâu, Cảng hàng không Thọ Xuân…

Đại biểu Mai Văn Hải cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, Nghị quyết đề cập nhiều vấn đề quan trong như tài chính, đất đai, đầu tư, phân cấp quản lý… Đây là những cơ chế giúp Thanh Hóa khai thác hết tiềm năng, lợi thế để phục vụ phát triển, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó thu hút nhà đầu tư lớn vào các khu kinh tế trọng điểm để phát triển Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và cả nước, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách Trung ương.

Khi các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh được triển khai, đại biểu tin tưởng Thanh Hóa sẽ phát huy mọi nguồn lực để tập trung cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân - đối tượng chính được thụ hưởng thành tựu của quá trình phát triển này. Có như vậy, Nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống. 

Khi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa được triển khai, địa phương cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên, thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 5.200 USD trở lên, 17 đơn vị cấp huyện, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2030, Thanh Hóa phấn đấu là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu. Người dân ở đây có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Cho ý kiến về thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế
Cho ý kiến về thí điểm chính sách đặc thù với Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN