Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi, ghi nhận ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định: Chất lượng xây dựng các dự án luật tại kỳ họp rất tốt
Vấn đề xây dựng luật chiếm gần 2/3 thời gian của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Quốc hội đã bố trí để các đại biểu thảo luận tổ 8 buổi, với 14 luật; thảo luận 23 buổi, với 22 dự án luật tại hội trường, riêng dự án Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội dành 2 buổi thảo luận. Điều đó thể hiện tính khoa học, sự quan tâm của Quốc hội đối với Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay.
Quốc hội cũng xin ý kiến riêng với 3 dự án luật: Tên của toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; vấn đề nồng độ cồn trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; vấn đề rút bảo hiểm 1 lần trong Luật Bảo hiểm xã hội. Đây đều là những vấn đề đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm. Do vậy, để thận trọng, Quốc hội đã xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước khi thông qua.
Theo kế hoạch, Quốc hội có 27,5 ngày làm việc, tương đương 55 buổi, trong đó có tổng cộng 31 buổi thảo luận về các luật, số lượng buổi thảo luận tại kỳ họp lần này cao hơn nhiều so với các kỳ họp trước.
Bên cạnh đó, các đại biểu phát biểu về các dự án luật đều nhận xét, các dự án luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có tham vấn các bên, cũng như đánh giá tác động của các chính sách, lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án luật. Điều này cho thấy chất lượng xây dựng dự thảo luật rất tốt.
Một yếu tố là từ người chủ trì đến các đại biểu Quốc hội phát biểu đều quán triệt được quan điểm xây dựng luật là những điều gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế khẳng định, đúng mới đưa vào luật. Đây là quan điểm xây dựng luật đúng đắn và chính xác. Các đại biểu cũng kiên quyết khi đánh giá một vấn đề gì đó chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm đề xuất chưa đưa vào luật.
Ở góc độ các Uỷ ban thẩm tra cũng cơ bản đánh giá các dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội đều công phu, bài bản, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn những đạo luật triển khai chậm thời gian như trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban xã hội đã chỉ rõ, ví dụ như Luật sửa đổi một số điều Luật Dược đã gửi chậm so với quy định 27 ngày.
Đặc biệt, tại kỳ họp này đã đưa vào nội dung xin ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Đứng trước những yêu cầu của cuộc sống, khó khăn, vướng mắc của pháp luật hiện hành trong kinh doanh bất động sản, các dự án đầu tư, sử dụng đất đai, Chính phủ đã phát hiện và cùng Quốc hội thông qua 4 luật và mong muốn các luật sớm có hiệu lực để doanh nghiệp và người dân thụ hưởng được những lợi ích từ 4 luật mang lại.
Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ, sự quan tâm của Chính phủ với đội ngũ doanh nghiệp và người dân. Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình thay đổi chương trình kỳ họp, đưa các luật thông qua tại kỳ họp, thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ về những vấn đề bức thiết của cuộc sống, mong muốn những chính sách đưa ra sớm được hiện thực hoá, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Điểm nhấn của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là những yếu tố về nhân sự, Quốc hội đã kiện toàn được cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, đã bầu được chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Điều này đã tạo sự phấn khởi, niềm tin của cán bộ Đảng viên, đại biểu Quốc hội trong giai đoạn mới. Hi vọng Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh): Kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV có nhiều điều đặc biệt và ấn tượng. Đây là kỳ họp có nhiều cảm xúc, thông qua nhiều luật và nghị quyết, có tới 11 luật, 21 nghị quyết của Quốc hội, chưa kể thảo luận lần đầu, cho ý kiến 11 luật. Như vậy, kỳ họp có nhiều chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội được thể hiện, nhất là công tác lập pháp.
Kỳ họp cũng quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, trong đó có cả những quyết định liên quan công tác nhân sự, tất cả đều được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến và đi đến thống nhất với tỷ lệ đồng thuận cao. Đó là thành công của kỳ họp này.
Thế giới hiện nay đang có nhiều đặc điểm Việt Nam cần chú ý, đó là một thế giới biến động nhanh, bất định, rủi ro, nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bất thường. Những điều này đòi hỏi thể chế pháp luật của Việt Nam phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương. Vì thế, lần này, 11 luật được Quốc hội bấm nút thông qua đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Đáng chú ý, một số luật đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước (như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…) lần này tiếp tục điều chỉnh theo hướng có lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm, các đại biểu Quốc hội cũng đã nhìn thấy được những tồn tại trong hệ thống luật pháp. Khi luật ban hành xong, có khi phải chờ thời gian dài mới đi vào cuộc sống. Vì vậy, quá trình xây dựng luật gần đây cho thấy bên cạnh dự thảo luật, có thêm các dự thảo nghị định, thậm chí các quyết định và thông tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc luật sớm đi vào cuộc sống.
Ngay từ những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã có cách làm phù hợp và thể hiện rõ tinh thần Quốc hội đồng hành cùng với người dân, đồng hành cùng Chính phủ, nên đã tăng cường thêm nhiều buổi họp kéo dài. Điều này cho thấy công tác lập pháp đã được Quốc hội đặt lên vị trí quan trọng nhất.