Bên lề Quốc hội: Không để đầu cơ, lũng đoạn giá làm tăng lạm phát

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 9/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024… Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Không để đầu cơ lũng đoạn giá

Mặc dù tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, rất đáng quan ngại, song Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển nhanh và tăng tốc trong thời gian tới. Quá trình đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế đã giúp chúng ta có được một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tôi cho rằng, các chỉ tiêu và kế hoạch kinh tế đã đặt ra trong năm 2022; trong đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% hoàn toàn có thể đạt được và thậm chí cao hơn nữa nếu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp đã đặt ra, tôi cho rằng, Chính phủ cần tăng cường quản lý và kiểm soát giá cả, không để đầu cơ lũng đoạn giá làm cho lạm phát tăng cao trở lại. Lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch đã đặt ra.

Ngoài ra, Chính phủ tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả, để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công với 477.300 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 65%. Trong khi năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên đến 526.100 tỷ đồng, đây vừa là cơ hội vừa là một thử thách lớn.

Nếu tăng đầu tư công như vậy thì Chính phủ nên chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa để góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới. Bởi, nợ công hiện có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã lên đến mức 24,8% so với mức trần 25%.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau): Chi ngân sách trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả

Áp lực lạm phát bắt nguồn từ nhu cầu chi tiêu của Chính phủ; đặc biệt năm 2020 cho đến nay, Chính phủ liên tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, những đối tượng chịu sự tác động của dịch COVID-19. Rõ ràng, khi kinh tế đình trệ sản xuất, ví dụ như: có thời gian, TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh lân cận, chỉ có 20% doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng là cầm chừng, như vậy không có lực lượng sản xuất ra của cải vật chất thì sẽ không có thu ngân sách. Theo đó, không có thu ngân sách thì sẽ không có chi cho hỗ trợ trở lại cho các đối tượng bị thiệt hại.

Như vậy, dư địa chi ngân sách của chúng ta rất khó khăn. Khó khăn như vậy thì khi chi ngân sách đồng nào thì cần cân nhắc cho kỹ trên cơ sở tiết kiệm triệt để và chi hiệu quả nhất. Cho nên, Quốc hội có thể cho phép Chính phủ tiếp tục giữ mức bội chi tương đương 4% GDP là hợp lý. Chính phủ cần lấy nguồn lực đó đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho xã hội, cho doanh nghiệp, cho hộ gia đình kinh doanh để người dân, doanh nghiệp hồi phục lại sức khỏe tiếp tục sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh): Tăng thu ngân sách còn tiềm ẩn rủi ro

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại dịch COVID lần thứ tư xuất hiện tại Việt Nam có những tác động tiêu cực sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta và ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội. Việc đạt được các kết quả thu, chi thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Về cơ cấu thu ngân sách nhà nước, dù đã có điều chỉnh giảm so với dự toán năm 2020 nhưng ngân sách Trung ương vẫn hụt thu 29.300 tỷ đồng, trong khi đó tổng thu ngân sách của chúng ta có tăng trưởng. Vậy cơ cấu thu ngân sách tăng trưởng ở đâu? Thực tế cho thấy, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán và đất đai.

Vậy có hay không hiện tượng những nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra rồi lại quay vòng tiếp vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản. Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Tôi đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Đối với giải pháp về phát triển kinh tế số được đề cập nhiều trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ chuyển đổi số cũng được Chính phủ đề xuất. Tôi cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến thực hiện phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; trong đó, vấn đề cốt lõi và quan trọng vẫn là ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng): Còn dư địa trong tăng thu ngân sách

Để bảo đảm tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, góp phần huy động nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, theo tôi, Quốc hội, Chính phủ cần kiên quyết cắt giảm nguồn chi, tạm dừng đối với công trình triển khai chậm, sức lan toả vùng miền không cao. Thay vào đó, nguồn lực này để phân bổ cho các chính sách an sinh xã hội và phòng chống dịch trong năm 2022.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tăng thu đối với những lĩnh vực còn dư địa. Đơn cử, hiện nay chỉ số giá xăng dầu đang cao dần lên, chúng ta dự trù 40 USD/thùng đã tăng lên 60 USD/thùng, qua các phiên giao dịch gần đây trên thị trường lên tới 80 USD/thùng. Trong khi nguồn lực dầu khí còn, nếu dự trù sát thì nguồn thu từ đây có thể tăng lên tương đối.

Ngoài ra, tôi cho rằng, một trong những dư địa thu khác có thể tính đến là nguồn thu từ các tỉnh, địa phương đang và sẽ được hưởng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội. Có chính sách thì địa phương đó có thể tự cân đối nguồn thu và điều tiết được ngân sách cho Trung ương. Theo tôi, đây là nguồn thu bền vững và Chính phủ có thể xem xét nhiều địa phương có thể được hưởng chính sách, cơ chế đặc thù, mở rộng nguồn thu từ đây trong tương lai.

Thuý Hiền - Diệp Anh/TTXVN (Thực hiện)
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch COVID-19
Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch COVID-19

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN