Bên lề Quốc hội: Giảm nghèo bền vững cần đi vào giải pháp căn cơ

Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã có những trao đổi về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.  

Hoà Thượng Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh): Quản lý chắc tiền vốn hỗ trợ  

Dịch COVID - 19 xảy đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Những người có việc làm bấp bênh nay gặp dịch bệnh sẽ càng khó khăn hơn, rơi vào nhóm người nghèo, cần được hỗ trợ. Vì thế, thời gian tới, tỷ lệ người nghèo sẽ tăng. 

Clip Hoà thượng Thích Thanh Quyết trả lời:

Theo tôi, với số vốn phân bổ trước cần có điều chỉnh phù hợp hơn và phải quản lý thật chặt.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19, Quảng Ninh đã có những hành động tốt nhất cho người dân trên địa bàn. 

Đầu năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phòng áp lực âm điều trị COVID-19. Trong khi cả nước có 5 phòng áp lực âm thì Quảng Ninh xung phong thực hiện đầu tư 1 phòng áp lực âm. Phòng này được chuyển ngay về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Sở dĩ Quảng Ninh xung phong thực hiện việc này bởi Quảng Ninh là trung tâm du lịch cũng như có đường biên giới nên nguy cơ với dịch COVID-19 nhiều hơn.

Phật giáo cũng có những hành động cụ thể như: Siêu thị 0 đồng, hỗ trợ những suất ăn cho đồng bào, viện trợ thuốc, giúp những gia đình nghèo…qua đó, phần nào thể hiện sự chung tay của Phật giáo với nhân dân, người nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.  

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Cần Thơ):  Rà soát các hạng mục, tránh trùng lặp ở địa phương  

Ba chương trình mục tiêu quốc gia (Về giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; Xây dựng nông thôn mới) có tổng vốn đầu tư 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, mức phân bổ cụ thể như sau: Phát triển kinh tế - xã hội là 50 nghìn tỷ đồng; Nông thôn mới là 30 nghìn tỷ đồng; Giảm nghèo bền vững là 20 nghìn tỷ đồng.  

Chú thích ảnh
Đại biểu Đặng Thuần Phong. 

Tuy nhiên, qua thực tế chúng ta phải rà soát lại các hạng mục để tránh trùng lặp trên địa bàn, đối tượng với các tiểu dự án khác. Mặt khác, nếu điều chỉnh những trùng lặp này mà không điều chỉnh vốn là chưa tương thích.  

Hiện 63 tỉnh thành đã chuẩn bị cho chương trình mục tiêu quốc gia nhưng lại không chuẩn bị ngân sách địa phương đối ứng. Tờ trình không thay đổi, danh mục không thay đổi, chưa kể các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chương trình nông thôn mới cũng phải chuẩn bị. Do đó, nếu đưa ra thì địa phương lấy đâu vốn để đối ứng? Không có tính toán từ trước thì lấy tiền đâu để thực hiện?  

Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hoá): Tránh tình trạng chính sách không đi liền ngân sách

Thực tế, có tình trạng người dân tộc thiểu số không có đất, nay đây mai đó. Họ vừa thiếu đất ở vừa thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, đất nông trường sử dụng hiện nay không hiệu quả. Điều này khiến bà con vẫn giảm nghèo nhưng không bền vững. Đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt xử lý.  

Chính phủ phấn đấu năm 2025 giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện điều này, theo tôi, Nghị quyết 88 phê duyệt tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa sâu sắc. Để Nghị quyết 88 đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét, tránh tình trạng chính sách không đi liền ngân sách, tôi đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực.  

Do hộ nghèo chủ yếu sống ở nông thôn, miền núi nên 3 chương trình này không bố trí đủ nguồn lực thì không giải quyết được vấn đề căn cơ đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.  

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và địa phương phải chịu trách nhiệm chính và bố trí nguồn lực để làm sao để có quỹ đất cho người dân ở. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương): Lập "bản đồ nghèo"

Nếu chúng ta không nâng cao dân trí, không nâng cao trình độ giáo dục thì việc phát triển bền vững ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ thiếu tính ổn định. Với mục tiêu chương trình giảm nghèo, điều quan trọng nhất là phải lập ra được "bản đồ nghèo". Nếu chúng ta cứ thấy chỗ nào nghèo là đầu tư dàn trải mà không có cái nhìn tổng thể thì chương trình giảm nghèo bền vững không đạt được hiệu quả. "Bản đồ nghèo" sẽ cho chúng ta thấy được chỗ nào cấp bách cần đầu tư. 

 

Bài, clip: Lê Vân/Báo Tin tức
Tiếp tục phát huy kết quả giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục phát huy kết quả giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

Ngày 27/7, theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về hai Chương trình mục tiêu Quốc gia - giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cử tri các tỉnh Nam Định, Vĩnh Long cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng các chương trình nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của hai chương trình, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN