Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng nghìn hộ dân ở huyện Sốp Cộp đã được hỗ trợ cây, con giống, chuyển đổi dần các hình thức chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ trước kia sang các mô hình hợp tác xã; đồng thời, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vì Văn Sơn, ở xã biên giới Nậm Lạnh, là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi việc chăn nuôi đại gia súc theo hình thức thả rông sang nuôi nhốt tập trung. Để thuận lợi trong quá trình chăn nuôi, ông đã thành lập hợp tác xã, vận động người dân trong xã cùng tham gia.
Ông Vì Văn Sơn chia sẻ, trước đây gia đình chủ yếu làm ruộng, nương và nuôi trâu bò theo hình thức thả rông trên bãi. Tuy nhiên, ông nhận thấy việc thả rông trâu, bò có nguy cơ rủi ro cao, khó phòng tránh dịch bệnh. Vì thế, từ năm 2019, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã chăn nuôi bò sinh sản với sự tham gia của 10 thành viên.
Việc xây dựng mô hình tập trung trong chăn nuôi đã giúp các hộ dân kiểm soát được dịch bệnh và chăm sóc đại gia súc được tốt hơn. Cùng với đó, từ khi thành lập hợp tác xã đã được hỗ trợ 24 con bò giống và chi phí xây dựng chuồng trại từ các chương trình giảm nghèo. Đến nay, đã thấy được hiệu quả ban đầu, bò phát triển tốt và sinh sản được 15 con bê. Hiện các thành viên trong hợp tác xã không còn gia đình nào thuộc diện hộ nghèo.
Những năm qua, huyện Sốp Cộp đã quan tâm thực hiện các chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đồng thời, huyện lồng ghép, tiến hành song song với Chương trình 135 đã thực hiện trước đó. Những hình thức chăn nuôi, trồng trọt kém hiệu quả được loại bỏ dần, thay vào đó huyện tích cực vận động tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điệu kiện của địa phương.
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, người dân ở xã Dồm Cang từ trước tới nay chủ yếu trồng ngô, sắn cho thu nhập không cao. Mới đây, khi tỉnh Sơn La triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu dứa cho các nhà máy chế biến nông sản, người dân ở đây đã từng bước chuyển đổi sang loại cây này.
Ông Quàng Văn Trận, bản Tốc Lừu, xã Dồm Cang cho hay, gia đình ông có hơn 2ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng sắn, nhưng vừa qua được tuyên truyền trồng dứa sẽ có đầu ra ổn định, cho thu nhập cao hơn nên ông đã thực hiện chuyển đổi. Theo đó, ông đã được hỗ trợ 25.000 chồi dứa để trồng trên diện tích khoảng 5.000m2.
Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Sốp Cộp đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, với nguồn vốn từ Chương trình 30a, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn với 56 công trình; đầu tư hơn 56 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và thực hiện 186 mô hình, dự án kinh tế. Đối với Chương trình 135 huyện cũng đã triển khai thực hiện 22 công trình mới; duy tu bảo dưỡng 50 công trình cũ, đồng thời hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm với tổng số vốn đầu tư gần 55 tỷ đồng.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nhìn chung các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã được triển khai thực hiện toàn diện, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, tạo diện mạo khởi sắc cho vùng biên giới. Tuy nhiên, trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương này vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên cho biết, trước đây, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn khá hạn hẹp, các mô hình để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp rất nhỏ lẻ, nguồn vốn ít nên hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại chưa tự giác trong việc vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trước thực tế đó, huyện đã kiến nghị với tỉnh và các cấp có thẩm quyền để có giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai thì sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đó.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Sốp Cộp trung bình giảm mỗi năm từ 4-5%, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 24,65%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng với sự chung tay, chung sức giữa chính quyền và nhân dân huyện Sốp Cộp, kết hợp với nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tiếp theo được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt thì trong tương lai huyện Sốp Cộp sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo như hiện nay.