Bên lề Quốc hội: Cơ chế đặc thù là đòn bẩy để Hải Phòng phát triển hơn nữa

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố, trong đó có Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, tham gia thảo luận một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. 

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đều đánh giá, nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cú hích thúc đẩy kinh tế, xã hội của các địa phương này phát triển.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, các dự thảo nghị quyết rất có ý nghĩa với các địa phương, trước hết đó là sự đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, sự tương đồng trong cơ chế chính sách dành cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố sẽ phát huy sự năng động, sáng tạo, phát huy tính đặc thù, tính tự cường trong quá trình phát triển, làm động lực lan tỏa trong vùng và cho cả nước.

Có 9 nội dung dự thảo như chính sách dư nợ vay, bổ sung mục tiêu từ nguồn tăng thu, định mức chi thường xuyên và quản lý ngân sách nhà nước, thí điểm thực hiện chính sách phí và lệ phí, chính sách đất đai, sử dụng, quản lý rừng, quản lý quy hoạch.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến cho rằng, chính sách liên quan đến đất đai, quản lý rừng sẽ là cơ sở quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong phát triển kinh tế, xã hội, để gắn phát triển với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ lợi ích quốc gia, phù hợp với quy định của quốc tế.

Cũng trong các nội dung dự thảo, có 4 nội dung liên quan trực tiếp đến Hải Phòng. Thứ nhất là nội dung quản lý đất đai đã tháo gỡ cho Hải Phòng những vướng mắc hiện nay. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn vào Hải Phòng song đều gặp vướng mắc về quy hoạch và bảo tồn.

Trong dự thảo nghị quyết lần này có đề cập đến vấn đề tăng thu, dù chưa bứt phá song đã có những chuyển biến so với quy định trước đây. Thời gian qua, dù Hải Phòng là thành phố phát triển trực thuộc Trung ương, tốc độ phát triển kinh tế cao, nguồn thu lớn song do quy định, tiền lương của cán bộ, viên chức đang ngang bằng với các địa phương có thu nhập thấp hơn.

Đại biểu Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng nêu, trong dự thảo các nghị quyết đều đề cập đến nội dung tăng định mức chi thường xuyên, thu phí và lệ phí trên địa bàn. Đây là nội dung thiết thực, quan trọng. Tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, đây sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai. Thời gian qua, Hải Phòng đã triển khai thu một số loại phí này, nguồn thu này góp phần kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Chú thích ảnh
Đại biểu Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, tham gia thảo luận một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. 

Đại biểu Tống Văn Băng mong muốn các đại biểu Quốc hội tán đồng để Quốc hội thông qua các dự thảo nghị quyết. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương xây dựng mục tiêu phát triển, phù hợp với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Cơ chế, chính sách đặc thù tạo tiền đề thực hiện Nghị quyết 54
Bên lề Quốc hội: Cơ chế, chính sách đặc thù tạo tiền đề thực hiện Nghị quyết 54

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN