Bên lề Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV: Đề xuất nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều đề xuất của đại biểu về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, An Giang và Trà Vinh thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang): Ba nhóm động lực phát triển kinh tế

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nền kinh tế; trong đó, có 4 chỉ tiêu bao gồm những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế đạt mức khá thấp trong năm 2021, gồm: tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng. Trong khi năm 2021, GDP dự kiến chỉ đạt từ 2-2,5% thì năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%. Đây là thách thức khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân.

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để cụ thể hoá Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nếu mục tiêu năm 2022 đặt ra không đạt được sẽ tạo áp lực cho các năm tiếp theo và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu trong năm 2022, tôi cho rằng, cần tập trung vào ba động lực trọng tâm là: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công; huy động nguồn lực xã hội và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đối với đầu tư công thời gian qua còn chậm liên quan đến đấu thầu thầu, năng lực đầu tư, giải phóng mặt bằng chưa khắc phục được thì cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp giải quyết quyết liệt để phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đối với việc quy hoạch và phát triển đô thị.

Chẳng hạn, trường hợp TP Hồ Chí Minh phải giãn cách kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh cho thấy, quy hoạch phát triển đô thị còn bất cập, tạo ra nhiều khu người nghèo, khu ổ chuột... Tại đây, mật đô dân cư cao khiến cho tình hình kiểm soát dịch bênh khó khăn. Trong khi đó, nếu định hướng quy hoạch và phát triển đô thị tốt thì sẽ trở thành một động lực tốt trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Đoàn Tây Ninh): Tận dụng cơ hội thu hút FDI 

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Bình Thuận thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong điều kiện khó khăn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt khoảng 2.919,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2020, bằng khoảng 35% GDP. Theo đó, dòng vốn FDI thực hiện 9 tháng vẫn ở mức cao, khoảng 13,28 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt từ 19-20 tỷ USD.

Kết quả này cho thấy, đóng góp tích cực của khu vực này vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, việc thu hút FDI ở các địa phương còn mang tính chất khẩu hiệu và đã đến lúc cần thay đổi.

Thực tế, các địa phương có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp FDI và cạnh tranh với nhau. Nên chăng, các địa phương cân nhắc xây dựng các khu công nghiệp với ưu đãi vùng miền để tiết kiệm hạ tầng và nguồn lực, tận dụng cơ hội thu hút FDI để tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, thời gian tới, tôi cho rằng cần tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy hình thành và tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, nhất là các công ty đa quốc gia, tập đoàn tư nhân lớn trong nước là doanh nghiệp đứng đầu, dẫn dắt trong chuỗi giá trị. Từ đó, đưa khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Đại biểu Lâm Văn Đoan (Đoàn Lâm Đồng): Đưa người lao động quay lại làm việc

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn. Vậy nên, một trong những khó khăn cho việc phục hồi kinh tế hiện là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch.

Theo đó, để kích thích người lao động quay trở lại thị trường lao động có hai vấn đề đặt ra là lương và an sinh xã hội. Đáng chú ý, vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân để người lao động có thể định cư, yên tâm lao động sản xuất là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Song đến nay, việc triển khai thực hiện vẫn chưa quyết liệt, nhiều địa phương vẫn chưa quy hoạch được quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân… 

Thực tế đã ghi nhận không ít người dân về quê mà chỉ có xe máy, tích lũy tài sản không nhiều và nếu dịch COVID–19 kéo dài, tỷ lệ lao động mất việc làm sẽ còn tăng lên. Do vậy, Chính phủ cần có đề xuất phát triển kinh tế lao động để người lao động tham gia cùng Chính phủ phục hồi kinh tế, đưa lực lượng lao động quay trở lại các khu công nghiệp. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn lao động phù hợp với thời kỳ dịch COVID – 19.

Thuý Hiền - Diệp Anh/TTXVN (Thực hiện)
Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và hai dự án Luật
Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và hai dự án Luật

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN