Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ được thông qua nhằm tạo nguồn lực to lớn để xây dựng và phát triển tỉnh, đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết: Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, tuy nhiên mục tiêu xuyên suốt xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do phát triển kinh tế chưa tương xứng, phát triển đô thị và đời sống của người dân còn khó khăn; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là bài toán dai dẳng chưa xử lý được.
Năm 2019, tỉnh đã tổng kết Kết luận 48 và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng một số chính sách đặc thù để phát triển xứng tầm và phù hợp. Tỉnh đã làm việc với các ban, bộ ngành Trung ương để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua Nghị quyết với 6 cơ chế. Thứ nhất, cho phép tỉnh để lại lại nguồn thu từ di tích để phục vụ công tác trùng tu di tích; thứ hai là thành lập quỹ bảo tồn di sản huy động từ nguồn xã hội để phục vụ công tác trùng tu và bảo tồn di sản; thứ ba là nâng mức trần vay lên 40% để giúp cho tỉnh có nguồn lực trong xây dựng và phát triển đô thị; thứ tư là nâng định mức chi thường xuyên lên 45% so với các địa phương khác để tạo nguồn lực; thứ 5 là ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật; thứ sáu là cho phép tỉnh Thừa Thiên - Huế để lại 70% thuế xuất nhập khẩu vượt chỉ tiêu giao.
Đại biểu Lê Trường Lưu cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù này nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế có nguồn lực to lớn để thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn và phát triển di sản; có nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo tiền đề để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Khi nghị quyết có hiệu lực, địa phương sẽ ưu tiên các nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, hậu cần để triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính Trị là mong đợi của chính quyền và nhân dân tỉnh; bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ để Thừa Thiên - Huế có cơ hội phát triển hơn nữa. Cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên -Huế nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh khai phá những dư địa, tiềm năng phát triển của địa phương một cách mạnh mẽ và là điểm tựa cơ bản, vững chắc; là "cú huých" để Thừa Thiên - Huế phát triển kinh tế - xã hội.