Bất cập trong quản lý đất đai vào 'tầm ngắm' của đoàn giám sát Quốc hội

Định giá đất quá thấp so với thị trường, chuyển nhượng không qua đấu giá... Những bất cập đó trong quản lý đất đai gây thất thoát tiền của nhà nước sẽ bị đoàn giám sát, đứng đầu là Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, "sờ gáy".

Nguồn thu từ đất đai chiếm khoảng 10% ngân sách địa phương, là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng hiện nay, trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, có hiện tượng lãng phí nguồn thu ngân sách nhà nước do thất thu trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở; trong việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có nhiều quỹ đất giá trị cao...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nằm ở Luật Đất đai 2013. Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định việc định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường"; quy định giá đất theo "Bảng giá đất" và "Giá đất cụ thể".

Quản lý đất đai bất cập khiến ngân sách nhà nước bị thất thu.

Thực tế hiện nay, giá đất trong bảng giá đất ở các địa phương chỉ tương đương khoảng 30 - 50% giá đất thị trường. Kết quả công tác thẩm định "giá đất cụ thể" cũng chưa đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".

Chẳng hạn, về mức giá đất cao nhất trong Bảng giá đất của địa phương tại TP Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trong đó, quy định giá đất tối đa tại TP Hồ Chí Minh (đô thị đặc biệt) là 162 triệu đồng/m2. TP Hồ Chí Minh đã xác định 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) áp dụng mức giá cao nhất, tính theo công thức: 162 triệu đồng/m2 + (162 x 30%) = 210,6 triệu đồng/m2.

"Mức giá này vẫn rất thấp so với giá thị trường hơn 1 tỷ đồng/m2 tại khu vực này. Điều đó cho thấy công tác định giá đất còn nhiều bất cập, dẫn đến việc thất thoát tài sản đất đai của nhà nước khi có đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, việc định giá đất phải đơn giản, dễ thực hiện, kết quả định giá đất đảm bảo khách quan, trung thực, công khai, minh bạch nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quản lý, sử dụng đất đai", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhận định.

Điều này chính là một trong nhiều bất cập của công tác quản lý đất đai hiện nay. Bên cạnh đó, hiện nay có một thực tế nữa là có những dự án bất động sản có nguồn gốc sử dụng đất từ nguồn đất công được giao cho chủ đầu tư không qua đấu giá, đấu thầu.

Tại kì họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 59/2018/QH14 về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, quy định 5 nội dung giám sát tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Một trong số đó là giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Nghị quyết số 61/2018/QH14 đã quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trên do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn. Đoàn giám sát sẽ đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Qua giám sát đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Theo kế hoạch của Đoàn giám sát, Đoàn sẽ xây dựng đề cương báo cáo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo, gồm Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương… Kế hoạch giám sát chi tiết sẽ được ban hành chậm nhất là ngày 15/9/2018.

Giai đoạn từ tháng 12/2018 đến hết tháng 3/2019, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Chính phủ, bộ ngành, các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan. Đến tháng 3 - 4/2019, Đoàn xây dựng dự thảo báo cáo kết quả và công bố với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2019, báo cáo để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 7.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Đà Nẵng kỷ luật 2 cán bộ vi phạm quy định quản lý đất đai
Đà Nẵng kỷ luật 2 cán bộ vi phạm quy định quản lý đất đai

Ngày 6/7, thông tin từ Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã họp và ra quyết định kỷ luật 2 cán bộ vi phạm quy định của pháp luật về quản lý đất đai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN