Bảo tồn đa dạng sinh học đi trước một bước, 'đánh thức' giá trị cảnh quan, tài nguyên

Ngày 10/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Quy hoạch quốc gia mang tính toàn diện, bao trùm

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam được thế giới công nhận là quốc gia có đa dạng sinh học cao, nhiều giống loài mang tính đặc hữu nên cần được bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững. Vì vậy, Quy hoạch nhằm mục tiêu cao nhất là bảo tồn, bảo vệ; khác với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dựa trên khai thác tài nguyên. Những năm qua, có nhiều quy hoạch bảo tồn, quản lý, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học nhưng đây là lần đầu tiên tiên công tác bảo tồn đa dạng sinh học được tiếp cận dưới góc độ quy hoạch quốc gia, mang tính toàn diện, bao trùm.

Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch bao trùm lãnh thổ đất liền, vùng biển quốc gia nên liên quan chặt chẽ với các quy hoạch về tổng thể quốc gia, đất đai, biển cũng như quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương… Quy hoạch phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không xung đột, chồng chéo với các quy hoạch khác; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học thế giới; cập nhật tư duy, quan điểm, mục tiêu mới về bảo tồn sinh học trên thế giới.

Quy hoạch đang đặt ra mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học khoảng 3 triệu héc-ta đất liền (9% diện tích đất liền) và 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Tuy nhiên, tiêu chuẩn bảo tồn mới trên thế giới yêu cầu nâng tỷ lệ diện tích đất liền và đại dương được bảo tồn đa dạng sinh học lên 30%. Vì vậy, cách thức xử lý “bài toán” bảo tồn đa dạng sinh học ở từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần phù hợp với yêu cầu phát triển. "Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, có tầm nhìn dài hạn, là công cụ định hướng chủ trương ưu tiên đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, trên quan điểm “phát triển dựa trên bảo tồn, bảo tồn vì mục đích phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi mới phương pháp tiếp cận, quan điểm, tư duy xây dựng Quy hoạch, trong đó xác định chính xác vai trò, vị thế của tài nguyên đa dạng sinh học, phương thức khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo đảm môi trường sống. Đặc biệt, Quy hoạch phải đánh giá tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và ngược lại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Quy hoạch cần "vừa tĩnh, vừa động". Đó là nhóm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có cơ sở pháp lý chắc chắn; bộ công cụ, tiêu chí mang tính mở, linh hoạt để xác định những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu vực, hệ sinh thái cụ thể cần bảo tồn, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế, gắn với sinh kế người dân.

Nếu bảo tồn chỉ đơn giản là khoanh lại, giữ nguyên thì không phát triển được kinh tế và ngược lại. Do vậy, Quy hoạch phải hài hòa hai mục tiêu, trong đó, bảo tồn phải đi trước một bước, “đánh thức” giá trị cảnh quan, tài nguyên đa dạng sinh học để quản lý, khai thác, sử dụng triệt để, bền vững bằng các dịch vụ sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Thủ tướng cũng gợi mở định hướng lớn, quan điểm, tư duy mới về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học như: Trong đô thị cũng có thể có các khu bảo tồn như rừng, hồ, đất ngập nước, trong các khu bảo tồn cũng có thể hình thành đô thị, thậm chí trong một tòa nhà cũng có thể bảo tồn một hệ sinh thái đầy đủ… “Có như vậy mới có thể gắn bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển, khai thác dịch vụ xanh, kinh tế xanh, du lịch…, bảo tồn vì nhân sinh, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn mới về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với việc tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu có kiểm chứng, trích dẫn đầy đủ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị các lớp dữ liệu mang tính liên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học; xác định một số dự án ưu tiên để khảo sát, điều tra, triển khai bảo tồn gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng tài nguyên

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo đó, dự thảo Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đối và như cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai…

Quy hoạch kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ.... Quy hoạch cũng tăng thêm 3 đối tượng bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, đất ngập nước quan trọng.

Quy hoạch nhằm mục gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Cụ thể, đến năm 2030 diện tích các khu bảo tồn trên cạn đạt gần 3 triệu héc-ta (tương đương 9% diện tích đất liền), tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Số khu bảo tồn tăng từ 178 lên 256 đơn vị, trong đó thúc đẩy các khu bảo tồn đất ngập nước và biển. Đồng thời, thành lập các cơ sở nuôi trồng loài nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ, tăng cường năng lực cứu hộ động vật hoang dã; lưu giữ bảo quản giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa-lịch sử…

Tại cuộc họp, các ý kiến trao đổi về cơ sở khoa học, tư duy, phương pháp luận, tầm nhìn của Quy hoạch, việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, mở rộng các khái niệm về bảo tồn, giá trị cảnh quan sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn tự nhiên…; đồng thời thảo luận nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình tổ chức thực hiện, cũng như định hướng tiếp tục cập nhật, phát triển nội dung của Quy hoạch.

Diệp Trương (TTXVN)
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và nhiều hoạt động hưởng ứng gồm: Hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal”; trồng cây và thả các loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Ba Bể; triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN