Được chào đón bằng những nụ cười hạnh phúc của các em học sinh và các cụ cao niên đồng bào dân tộc Mông - Dao khi nhận quà, sự mệt nhọc của những thành viên trong đoàn dường như tan biến.
Nuôi dưỡng ước mơ học tập
Có cả con và cháu đạt thành tích cao trong học tập, được chọn trao quà trong chương trình "Đồng hành cùng vùng khó" của báo Tin tức, chị Sùng Thị Mỵ (xóm Ca Dằm - dân tộc Mông) không giấu được xúc động tâm sự: "Tôi có 3 con nhỏ đang học ở trường, lại nuôi thêm 2 người cháu là con của em chồng mất sớm. Nhà không đủ ăn, nhưng rất may mắn là đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp, nhà trường thời gian qua. Hôm nay lại nhận được những phần quà hỗ trợ quý báu, trao tặng đúng lúc khó khăn, tôi vô cùng xúc động, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn tình cảm quý báu của đoàn”.
Chia sẻ tại chương trình, thầy Hoàng Đức Thương - Hiệu trưởng Trường PTCS Hồng An: Trường PTCS Hồng An là trường liên cấp, trong đó, điểm trường chính có 10 lớp bậc tiểu học và 4 lớp THCS. Cùng với đó, trường có 5 điểm trường đóng tại các thôn, bản, giảng dạy các lớp học mẫu giáo.
Vấn đề lớn nhất với một trường học ở vùng cao vẫn là con đường đến trường của các em còn nhiều gian khó. “Nếu ở vùng đồng bằng, quãng đường từ 3 - 10 km đã là xa xôi, thì ở miền núi, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Đó là 3km đường đá hộc, 10km tính qua bao nhiêu con suối mùa mưa, bao nhiêu ngọn gió rét, mùa đông nhiệt độ chỉ 3 - 5 độ. Bởi thế, việc đảm bảo sĩ số, đảm bảo công tác dạy và học cho các em học sinh là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương, của các gia đình, của cả thầy và trò” - thầy Hoàng Đức Thương cho biết.
Xã Hồng An thuộc vùng núi đá cao phía Đông Nam, cách trung tâm huyện Bảo Lạc hơn 28km. Dù có tới 98% diện tích đất là đất nông nghiệp, nhưng những khó khăn về địa hình, địa chất núi đá, khiến kinh tế của Hồng An còn chưa phát triển. Cả ba xóm Hoi Ngửa, Ca Dằm, Mỹ Lủng của xã, gồm 210 hộ với 1.130 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông, Dao; vẫn có gần 63% là hộ nghèo (theo kết quả rà soát tính đến thời điểm 31/12/2021). Trong đó, khó khăn nhất vẫn là xóm Mỹ Lủng, tới nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông chưa đến trung tâm xóm, gây khó khăn cho việc đi lại.
Trường PTCS liên cấp xã Hồng An có tổng số 321 học sinh, thuộc cả ba bậc học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài điểm trường chính, trường có thêm 5 điểm trường phụ. Do điều kiện đường xá xa xôi, cũng như việc có gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên có 50 học sinh được tạo điều kiện học tập nội trú.
Đến với Cao Bằng những ngày đầu tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em, đoàn công tác “Đồng hành cùng vùng khó” của báo Tin tức mang theo những tấm lòng của các đơn vị đồng hành, trao 50 suất học bổng và hiện vật, trị giá 100 triệu đồng, dành tặng cho các em học sinh. Những món quà trở thành sự tiếp sức kịp thời cho những nỗ lực học tập và giảng dạy của cả thầy và trò ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này.
Tự tay trao những phần quà ý nghĩa cho các em học sinh tại chương trình, bà Ninh Hồng Nga, Tổng biên tập báo Tin tức, chia sẻ: “Trường PTCS liên cấp xã Hồng An có 10 lớp học cấp tiểu học, nhưng tới cấp THCS lại chỉ có 4 lớp. Điều này cho thấy việc tiếp tục lên những bậc học cao cần sự cố gắng rất nhiều của cả các em, thầy cô và chính quyền địa phương. Góp phần giảm bớt khó khăn, giúp các em học sinh nghèo vượt khó, nuôi dưỡng niềm đam mê và nối dài chặng đường học tập là một trong những mục tiêu của chương trình “Đồng hành cùng vùng khó" mà báo Tin tức đã triển khai nhiều năm qua.
Đến với mái trường vùng núi xa xôi này, chúng tôi hy vọng những tấm lòng của cán bộ, nhân viên báo Tin tức, của các cơ quan, doanh nghiệp đồng hành... sẽ tiếp thêm động lực cho các em học sinh cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập; tiếp thêm niềm tin cho các gia đình, nhà trường và địa phương để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, động viên các em đến lớp. Tương lai tốt đẹp đang chờ đón các em”.
Theo bà Tô Thị Dung, Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng An: "Lãnh đạo và nhân dân xã rất vui mừng khi xã Hồng An là điểm đến tiếp theo của chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” của báo Tin tức. Sự quan tâm, động viên của báo Tin tức cùng các cá nhân, đơn vị đồng hành bằng cả tinh thần và vật chất, đã tiếp thêm nguồn sức mạnh cho người dân và chính quyền địa phương. Chúng tôi hy vọng rằng, “Đồng hành cùng vùng khó” sẽ còn tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Hồng An nói riêng và nhiều vùng đất khó khăn khác trên cả nước nói chung”.
Ấm áp chặng đường 10 năm “Đồng hành cùng vùng khó”
Tính đến chương trình đến với xã miền núi đặc biệt khó khăn Hồng An huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), “Đồng hành cùng vùng khó” đi trọn 10 năm thực hiện các chương trình công tác vì xã hội của báo Tin tức.
Nhiều lần tham gia đoàn công tác của báo Tin tức đến với các vùng khó, chị Nguyễn Mai Hương, Trưởng phòng Tổng hợp báo Tin tức, tâm sự: “Khi đến với mỗi vùng đất còn khó khăn, nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên thì mọi mệt nhọc do đường xá xa xôi trong tôi như tan biến. Được đóng góp chút sức lực bé nhỏ cho các hoạt động xã hội, cho các công tác vì cộng đồng của báo Tin tức là sự tự hào của mỗi thành viên trong đoàn.”
Trải qua 10 năm từ chuyến đi đầu tiên chia sẻ khó khăn với những gia đình huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) bị thiệt hại trong đợt mưa lũ năm 2012, đã có hàng chục chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” của báo Tin tức đến với các xã, huyện còn nhiều khó khăn từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà tài trợ để mang “hơi ấm tình người” đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Những hành động thiết thực đến đúng lúc, đúng người làm nên giá trị thực sự cho những món quà từ “Đồng hành cùng vùng khó”.
“Trong thời gian tới, công tác xã hội sẽ tiếp tục được báo Tin tức duy trì thông qua chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” với tinh thần sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn. Đây là một trong nhiều hoạt động từ thiện thiết thực hướng đến những vùng miền khó khăn trên cả nước của Báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam cũng như của đơn vị tài trợ.” - bà Ninh Hồng Nga, Tổng biên tập báo Tin tức, khẳng định.
Trên dải đất hình chữ S, nơi nào gặp khó, nơi ấy có những tấm lòng nghĩa tình tìm đến. Tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam, chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” chắc chắn sẽ cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Tin tức đến với nhiều miền đất xa xôi của tổ quốc để lan tỏa hơn nữa tấm lòng và ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào”.