Bão số 12 và mưa lũ làm 63 người chết và mất tích

Tính đến sáng 6/11, thiệt hại ban đầu do bão số 12 và mưa lũ gây ra đã làm 44 người chết, tăng 17 người so với ngày 4/11.

Tháo dỡ một căn nhà tạm trôi dạt vào bờ biển Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Theo báo cáo của các địa phương và các bộ, ngành, tính đến sáng 6/11, thiệt hại ban đầu do bão số 12 và mưa lũ gây ra đã làm 44 người chết, tăng 17 người so với ngày 4/11, trong đó Quảng Ngãi có 4 người, Bình Định (3 người); Phú Yên (1 người); Khánh Hòa (27 người); Lâm Đồng (3 người), Kon Tum (1 người); Đắk Lắk ( 1 người) và 4 người do sự cố tàu vận tải. 19 người  mất tích, giảm 3 người so với 4/11, trong đó Quảng Ngãi có 1 người, Bình Định ( 3 người); Phú Yên ( 1 người); Khánh Hòa ( 5 người) và 9 người do sự cố tàu vận tải.

Bão số 12 và mưa lũ đã làm 1.358 nhà bị sập đổ; 114.866 nhà tốc mái, hư hỏng. Tại vùng biển Bình Định, 10 tàu/101 thuyền viên bị chìm, hư hỏng trên khu vực phao số 0, Cảng Quy Nhơn (riêng tàu Thanh Hải 18 hiện chưa xác định được số thuyền viên). Hiện đã cứu vớt được 88 người, 4 người chết và 9 người mất tích. Tại vùng biển Khánh Hòa, 1 tàu vận tải/4 thuyền viên bị chìm, hiện cả 4 thuyền viên đã được cứu vớt; một tàu du lịch bị mắc cạn (trên tàu không có người).

1.286 tàu cá bị chìm, hư hỏng, trong đó Đà Nẵng có 4 tàu; Quảng Ngãi (3 tàu), Bình Định (19 tàu); Phú Yên (119 tàu); Khánh Hòa (1.141 tàu). Lúc 23 giờ 00 ngày 3/11, tàu cá BĐ95154 TS/2 lao động trên đường chạy vào Cảng cá Quy Nhơn tránh bão bị chết máy thả trôi ở tọa độ 13o37’N-109o48’E, hiện vẫn chưa liên lạc được.

Bão số 12 và mưa lũ đã làm 5.296 ha lúa bị ngập, tăng 793 ha; 14.849 ha rau mầu bị ngập; thiệt hại 24.435 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; sạt lở mái thượng lưu đập của hai hồ chứa Đá Bàn và Tiên Du thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Theo Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai Bộ Công Thương, tính đến 17 giờ 00 ngày 5/11, tại Phú Yên, toàn bộ trạm biến áp 110kV bị hư hỏng đến nay đã được khôi phục và cấp điện.Tỉnh có 1.641 cột trung, hạ thế bị gãy, nghiêng, đổ, hiện đã khôi phục được 820 cột và mới cấp điện được đến trung tâm các huyện, thành phố: Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Sông Cầu, Phú Hòa; các khu vực khác vẫn chưa khôi phục được.

Tỉnh Khánh Hòa có 11 trạm biến áp 110kV bị hư hỏng đến nay đã khôi phục, sửa chữa được 8/11 trạm, còn lại 3 trạm chưa được khôi phục (Ninh Hòa, Vạn Giã, Ninh Thủy), do đường dây 110kV có 13 cột bị gãy đổ và 10 cột bị nghiêng. 626 cột trung, hạ thế bị gãy, nghiêng, đổ. Hiện mới khôi phục được 352 cột trung, hạ thế và mới cấp điện được một phần các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Diên Khánh và thành phố Nha Trang...

Về giao thông, tại tỉnh Phú Yên, các tuyến Quốc lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông, hiện đã thông xe. Tỉnh lộ: Tuyến ĐT.642, ĐT.644 và tuyến đường Phước Tân đi Bãi Ngà hiện vẫn còn nhiều vị trí bị ngập, sạt lở, giao thông chia cắt.

Tại tỉnh Khánh Hòa, các tuyến Quốc lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông, hiện đã thông xe. 108,6km đường liên thôn, liên xã, 11,8km đường tỉnh lộ, huyện lộ bị bong tróc, sạt lở.

Tại tỉnh Quảng Nam, tại Km 1404+100 đường Hồ Chí Minh, sạt taluy dương gây ách tắc hoàn toàn với chiều dài 50m. Hiện các đơn vị đang khắc phục và điều tiết giao thông để đảm bảo giao thông một làn.

Tại Tỉnh Kon Tum, Quốc lộ 24 bị Sạt lở tại 06 vị trí, với tổng khối lượng khoảng 500 m3. Tỉnh lộ 673, 676 bị sạt lở tại 128 vị trí với khối lượng khoảng 8.540 m3, gây ách tắc giao thông. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục.

Ở tỉnh Quảng Trị, tuyến đường Hồ Chí Minh tại KM37 (Hạt quản lý đường bộ A Ngo) và KM248+450 trên địa bàn xã Húc Nghì bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Hiện các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Quốc lộ 24C đoạn từ xã Trà Hiệp đi xã Trà My bị sạt lở 20m. Quốc lộ 24 đoạn qua xã Ba Tiêu có 06 điểm sạt lở, giao thông đi lại khó khăn.

Tại tỉnh Lâm Đồng, một số vị trí trên tuyến đường Quốc lộ 27C bị sạt lở; Tỉnh lộ 135 đoạn từ xã Đạ Rsal đi xã Đạ M’rông bị sạt lở hơn 100m, hư hỏng 40m mặt đường.

Nhiều tuyến đường Quốc lộ và Tỉnh lộ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu, giao thông đình trệ; Quốc Lộ 49 qua huyện A Lưới và đoạn đèo La Hy qua xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn.

Đoạn đường sắt từ Ga Diêu Trì đến Ga Phú Hiệp đã thông tuyến, đoạn từ Ga Phú Hiệp đi Ga Đại Lãnh còn nhiều cột thông tin, tín hiệu ngã đổ vào đường sắt hiện đang được khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 1680/CĐ-TTg ngày 04/11 và số 1681 ngày 05/11 gửi Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các cơ quan thông tấn báo chí yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 và ứng phó với mưa lũ sau bão.

Chiều 5/11, Bộ trưởng, Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp của thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các cơ quan liên quan và các đơn vị tư vấn tính toán vận hành hồ chứa để triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa. Sau cuộc họp, Bộ trưởng - Trưởng ban đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác đi các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.


Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông đang hoạt động mạnh, từ ngày 6/11 đến hết ngày 8/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to. Riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8; khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Bộ Công an đã có Công điện số 16 ngày 5/11 gửi Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và Tổng cục VIII, K20, Cục C66, C67 chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ.

Bộ Quốc phòng đã giao lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển đến khu vực vùng biển Bình Định tham gia khắc phục sự cố. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa, lũ. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tăng cường các bản tin dự báo, nhận định sớm về tình hình mưa, lũ lớn để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã triển khai thực hiện nội dung các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Đinh, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng đã có công điện, chỉ huy công tác ứng phó với mưa, lũ và khắc phục hậu quả bão số 12. Các địa phương kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Các tỉnh thành, phố tập trung lực lượng, phương tiện để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông. Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng; tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Các địa phương vận hành các hồ chứa phù hợp quy trình đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt, tại lưu vực sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn nơi đang diễn ra các hoạt động của hội nghị cấp cao APEC; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước; triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Các tỉnh, thành phố tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Văn Hào (TTXVN)
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương

Tính đến 18h ngày 5/11, Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề với 5 người chết, mất tích; 6 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN