Nhiều kết quả quan trọng đã đạt được trên cả 6 nội dung trong cải cách hành chính, đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trọng tâm trong đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, thủ tục hành chính đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về cơ bản đã hoàn thành 57 nhóm nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Theo kết quả thống kê, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra 4.142 nhiệm vụ trong kế hoạch cải cách hành chính và xác định cụ thể trách nhiệm, thời gian triển khai cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện; có nơi cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính được giao; đồng thời, ban hành 5.586 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra.
Năm qua, 20 bộ, cơ quan và 63 địa phương triển khai công tác kiểm tra cải cách hành chính tại 493 cơ quan, đơn vị thuộc bộ, 424 đơn vị cấp sở, ngành và 397 UBND cấp huyện nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, đánh giá việc sử dụng và tác động của Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tình hình khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mã số định danh cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với việc bỏ Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy…
Theo đó, các bộ, ngành đã kịp thời phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 227/245 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra (đạt 92,65%); các địa phương phát hiện, xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.918/1.946 vấn đề (đạt 98,56%), tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan công quyền, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cải cách thể chế là nền tảng
Đáng chú ý, trong công tác cải cách thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là yếu tố có tính quyết định, được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắc nhở “cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số, để tạo đột phá”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nào chưa trực tiếp phụ trách công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải phân công ngay.
Cùng với đó, khẩn trương triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp; đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính…
Trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”; tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Với sự chỉ đạo mạnh mẽ, linh hoạt và sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, đất đai… được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Từ sự quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ, năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 15 luật, các bộ, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành 92 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 372 thông tư. So với năm 2022, công tác xây dựng thể chế năm 2023 đã có sự đột phá khi số văn bản pháp luật được xây dựng nhiều hơn hẳn, tăng thêm 3 luật, 39 nghị định và 31 thông tư.
Bộ Tư pháp cho biết, đến ngày 22/12/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành được 44/52 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết, còn nợ ban hành 8 văn bản quy định chi tiết 8 luật đã có hiệu lực (gồm 7 nghị định, 1 quyết định). Trong khi đó, con số nợ đọng của năm 2022 là 21 văn bản quy định chi tiết 12 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Những kết quả trên cho thấy khối lượng công việc đồ sộ về xây dựng chính sách pháp luật Chính phủ đã thực hiện trong năm 2023. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc chủ động của các bộ, ngành, tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng lên.
Các đề xuất xây dựng pháp luật đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý. Phương pháp, hình thức lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế đã có nhiều đổi mới, chú trọng lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xây dựng pháp luật ngày càng được cải thiện.
Cùng với chú trọng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, rà soát, góp phần nâng cao tính minh bạch, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản.
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan này đã tổ chức 8 cuộc họp cho ý kiến về kết quả rà soát và đề xuất xử lý văn bản của 14 bộ, qua đó giúp các bộ, ngành rà soát, cập nhật, chỉnh lý kết quả rà soát, bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, bám sát thực tiễn.
Sau rà soát, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần; đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn hoặc trái quy định pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và nâng cao tính khả thi của hệ thống pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành đã tổng hợp, kiến nghị xử lý sau kiểm tra đối với 460 văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực), đến nay, số văn bản có kiến nghị xử lý đã được xử lý xong là 458/460; số văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra là 284, đến nay, đã xử lý xong 256/284 văn bản. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các địa phương đã tổng hợp được 226 văn bản cần phải xử lý sau kiểm tra, trong đó, 205 văn bản quy phạm pháp luật có kiến nghị xử lý đã được xử lý xong.