Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.

Chú thích ảnh
Anh Phạm Văn Thới (phải), nhân viên Công ty Môi trường đô thị Cà Mau, đến làm thủ tục lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ BHXH ở Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; mà trụ cột là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Đạt được những thành công trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhằm bảo đảm các chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân.

Tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng

Góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, trong những năm qua, hệ thống dân vận các cấp đã quán triệt, triển khai, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng và thực hiện chính sách an sinh; đồng thời làm tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận nói chung và chính sách an sinh xã hội nói riêng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp và cán bộ, đảng viên; thu hút sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, lực lượng, tạo sự lan tỏa, đồng thuận của xã hội, nhân dân và đối tượng chính sách trong việc thực hiện chính sách đối với người có công và chính sách an sinh xã hội. 

Đáng chú ý, phong trào “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước thể hiện vai trò của công tác dân vận đối với sự chủ động, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội toàn dân. Các mục tiêu xã hội đã được lồng ghép vào địa phương; đã phát huy tốt hơn sự tham gia, ý chí vươn lên của người dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách; thu hút ngày càng nhiều hơn sự tham gia và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân vào các chương trình xã hội.

Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thị Tố Nga cho biết: “Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội; nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về thực hiện chính sách an sinh xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đến nay, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Nga, trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động, Ban Dân vận Trung ương tiếp tục tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với việc cụ thể hóa thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong thực hiện chính sách an sinh xã hội nói riêng.

Cùng với đó, toàn ngành tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị -xã hội, sự tham gia của nhân dân trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, chủ động đóng vai trò nòng cốt, hạt nhân trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về chính sách an sinh xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ngoài ra, ngành Dân vận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật và an sinh xã hội đến các cấp, ngành và địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến và đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách. Đặc biệt, toàn ngành tiếp tục quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, hướng về cơ sở, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Khẳng định vai trò quan trọng của người dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho các chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân. Đây là quá trình tương tác hai chiều, nhằm khuyến khích và huy động trí tuệ, nhận thức của người dân vào xây dựng chính sách an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách an sinh xã hội cung cấp cho cơ quan hoạch định chính sách thông tin về những mong muốn, nguyện vọng của người dân, những ưu điểm và hạn chế của các chính sách an sinh xã hội hiện hành. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước xác định chính xác hơn mục tiêu các công cụ, giải pháp chính sách mới ban hành, góp phần đưa chính sách sát với thực tế, phù hợp hơn đối với các yêu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách nói chung, chính sách an sinh xã hội nói riêng luôn là vấn đề quan trọng cho mỗi quốc gia. Khi nghiên cứu và xem xét vấn đề này, cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, xem xét đến nhiều yếu tố liên quan về chính trị, pháp lý, văn hóa, đời sống xã hội, trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân... phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng

Nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn và đoàn viên trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thiết thực nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam chủ động nghiên cứu, tổ chức các chương trình lấy ý kiến, tập hợp trí tuệ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động. 

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam quan tâm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống, nhất là đội ngũ cán bộ xây dựng chính sách, pháp luật; chú trọng đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Công đoàn Việt Nam đã luôn quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực thu hút sự quan tâm của đoàn viên và tổ chức công đoàn các cấp tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân; về tổ chức Công đoàn; về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội được ban hành với ý kiến tham gia sâu sát của tổ chức Công đoàn Việt Nam. 

“Thông qua hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật cũng như theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi hành pháp luật, các ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đã cơ bản thể hiện được trí tuệ tập thể, ý chí của tổ chức và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chất lượng ý kiến tham gia góp ý, xây dựng pháp luật từng bước được nâng cao; có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ. 

Để bảo đảm phát huy vai trò công đoàn và đoàn viên trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; đồng thời, xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu củng cố, phát triển tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân trong thời kỳ mới; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng tham vấn, lấy ý kiến người lao động và các bên liên quan trong hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật…

Tương tự, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về an sinh xã hội như chủ động đề xuất chính sách về an sinh xã hội liên quan phụ nữ, trẻ em; tích cực đóng góp vào kết quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình góp ý, phản biện xã hội chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; phát huy dân chủ của phụ nữ, hội viên trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến an sinh xã hội…

Để thực hiện chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nhận thức, hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội cũng như quyền lợi của hội viên trong xây dựng pháp luật về an sinh xã hội; qua đó đảm bảo quyền lợi cho nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em. 

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất xây dựng luật pháp, chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội kịp thời, thống nhất, khả thi, đảm bảo lồng ghép giới và góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên cơ sở bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. 

Từ đó, các cấp hội nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chương trình, đề án, góp phần thúc đẩy năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ yếu thế, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ phụ nữ, bà mẹ và trẻ em. Các cấp hội thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, nhu cầu, bức xúc của phụ nữ để tham mưu bổ sung, sửa đổi các chính sách cho phù hợp, hiệu quả.

Diệp Trương - Phương Anh (TTXVN)
Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội
Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN