Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: “Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội (ASXH) mà trụ cột là chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước”.
Đảng đã có nhiều Nghị quyết về lĩnh vực này, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 đã xác định những định những định hướng quan trọng mang tầm chiến lược về chính sách BHXH, BHYT; Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 25/10/2017 xác định: “hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 khẳng định rõ mục tiêu phát triển BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống ASXH, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững hệ thống ASXH.
Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT thời gian qua, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người (tăng gấp gần 6,6 lần so với năm 1995); số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,45 triệu người (gấp 6,65 lần so với năm 2015), đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho trên 12 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN với số tiền chi trả khoảng 250 nghìn tỷ đồng/năm; thanh toán chi phí KCB BHYT cho trên 169,3 triệu lượt người, với số tiền trên 100 nghìn tỷ đồng/năm. Thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2009 đến nay chỉ còn 25 TTHC), trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.
BHXH Việt Nam đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) của hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư (tính đến ngày 10/4/2022, đã chia sẻ để xác thực thông tin của trên 40 triệu công dân với Bộ Công an); chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19… Cùng với đó là việc BHXH Việt Nam đưa vào cung cấp sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” đã đem lại nhiều tính năng, tiện ích thiết thực cho người tham gia BHXH, BHYT.
Clip ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ về chính sách BHXH:
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị đã đánh giá thực trạng, sự tham gia của tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các hội viên… trong việc xây dựng và thực hiện chính sách ASXH; Các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách BHYT… Bên cạnh những kết quả đạt được, một số đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong thực tiễn tổ chức, thực hiện các chính sách ASXH như: Nguồn lực bảo đảm chính sách ASXH chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội, việc phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH ở một số lĩnh vực còn chưa thực sự rõ nét, nên kết quả còn hạn chế;…. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò tích cực của các tổ chức và Nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH ở nước ta thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương đã khẳng định, những thành tựu to lớn trong thực hiện ASXH ở Việt Nam. Để có một hệ thống ASXH đúng đắn, phù hợp, bền vững thì một trong những yếu tố có tính quyết định đó là công tác dân vận cần phát huy vai trò nhân dân với việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH trong chiến lược phát triển. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp khác như: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách ASXH; vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách ASXH; đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ASXH thành chương trình hành động của tất cả các Bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả… với mục tiêu tiêu phát triển vì con người, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.