Báo Cuba ca ngợi công cuộc đổi mới ở Việt Nam

Dưới đầu đề “Công cuộc đổi mới của Tổ quốc Việt Nam”, báo Granma - cơ quan ngôn luận của ĐCS Cuba số ra ngày 2/9 đã dành toàn bộ một trang quốc tế đăng bài kèm ảnh giới thiệu và ca ngợi công cuộc đổi mới ở Việt Nam.

Bài báo nhấn mạnh, vào năm kỷ niệm lần thứ 69 ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đất nước này đã đạt được 5 trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ và dự kiến sẽ hoàn thành nốt 3 mục tiêu còn lại vào năm 2015.

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn bài báo viết cho biết quá trình đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á và giành được những thành tựu quan trọng về phát triển nguồn nhân lực.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Trong hai thập kỷ gần đây, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đều tăng bình quân hàng năm 7%. So với năm 1986, nền kinh tế quốc dân tăng 3,5 lần và GDP tăng 3,2 lần. Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đều cho thấy sự khởi sắc của đất nước Việt Nam.

Trong khi, các nơi khác dù phát triển chưa mạnh bằng nhưng đều đã được cải thiện hơn một cách có hệ thống nhờ vào nỗ lực của địa phương, cũng như các chương trình phát triển hạ tầng và liên kết kinh tế khu vực do công cuộc đổi mới mang lại.

Cũng nhờ công cuộc đổi mới mà tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% trong năm 1993 xuống còn 8% vào năm 2013 và cả nước đã có trên 30 triệu người thoát nghèo. Ngoài ra, các chỉ số phúc lợi xã hội đã vượt qua một số nước có mức thu nhập ngang bằng hay thậm chí cao hơn Việt Nam, theo như các số liệu đã được các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) công nhận.

Trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam đạt được những thành tựu có thể nói là “kỳ diệu” như thế, bài báo dẫn lời ông Jesús Aise Sotolongo, nguyên đại sứ Cuba tại Việt Nam, cho rằng công cuộc đổi mới của Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, tìm mọi cách giải phóng mọi tiềm năng trong xã hội và tận dụng có hiệu quả các cơ hội do toàn cầu hóa đem lại để hội nhập quốc tế.

Nói cách khác, Việt Nam đã vận dụng các quy luật của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với những nhu cầu và những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước.

Sau khi nhấn mạnh rằng Đại hội 6 của ĐCS Việt Nam chính là điểm xuất phát trong việc xác định lại các khái niệm liên quan đến các phương pháp và biện pháp điều hành nền kinh tế ở Việt Nam, bài báo dẫn lời Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định các nghị quyết của Đại hội 6 đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển của đất nước.

Đó là sự đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, là sự thay đổi mô hình phát triển, các cơ chế quản lý kinh tế, đồng thời thực hiện dân chủ hóa toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội nhằm khắc phục mọi trở ngại của sự phát triển, thúc đẩy lực lượng sản xuất và giải phóng mọi tiềm năng của xã hội.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI. Ảnh: TTXVN


Tiếp đó, báo Granma phân tích những thành tựu trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước đến Đại hội lần thứ 11 của Đảng tháng 2/2011 và nêu rõ: “Đại hội 11 của ĐCS Việt Nam đã tiến hành cập nhật hóa các chính sách kinh tế ở Việt Nam. Nghị quyết của Đại hội thừa nhận công cuộc đổi mới là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để và là một cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới. Quá trình đó phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, với nhiều giai đoạn phát triển và những hình thức tổ chức kinh tế và xã hội đan xen nhau…”.

Theo số liệu thống kê năm 2013, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho thấy những dấu hiệu tích cực. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, sản xuất công nghiệp tăng đáng kể, xuất khẩu tăng khá, cán cân thương mại thể hiện xu hướng tích cực.

Bài báo trích dẫn phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt là phải thực hiện có hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng thương mại, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP trong năm 2015 ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống từ 1,7 đến 2%.

Báo Granma kết luận: “Khi đi thăm các vùng nông thôn cũng như các khu đô thị ở Việt Nam, ở đâu chúng tôi cũng nhận thấy những người Việt Nam luôn luôn làm việc không biết mệt mỏi. Có thể nói rằng thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến đấu trên mặt trận kinh tế luôn được đảm bảo bằng tinh thần lao động cần cù của họ”.

Phạm Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)

'Nụ cười chiến thắng' còn mãi trong lòng các bạn Cuba
'Nụ cười chiến thắng' còn mãi trong lòng các bạn Cuba

Sáng 23/8, những người bạn Cuba ở cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất thức dậy khi các đài phát thanh và truyền hình quốc gia phát đi tin “Người con gái của nụ cười chiến thắng”, hình ảnh trở nên quen thuộc ở hòn đảo tự do nhiều năm nay, đã từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh vào tuổi 69.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN