Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng Công ty và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 2 đơn vị đấu giá thắng đã và đang hoàn tất các thủ tục nộp tiền, thực hiện các bước tiếp theo để đưa băng tần mới vào phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chất lượng dịch vụ thông tin di động chắc chắn sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Cụ thể, trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch tổ chức 3 cuộc đấu giá các khối băng tần, trong đó 2 cuộc đấu giá đã thành công. Sau 24 vòng đấu, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện 5G đối với khối băng tần B1 2.500 - 2.600 MHz trong vòng 15 năm tới. Băng tần 2.500-2.600 MHz mà Viettel trúng đấu giá được gọi là “băng tần vàng” bởi đây là băng tần thấp hơn 3.700-3.800 MHz và băng tần 3.800 - 3.900 MHz nên có độ phủ rộng hơn. Khi nhà mạng có được băng tần này sẽ có được lợi thế về đầu tư ít hơn các nhà mạng có băng tần 3.700-3.800 Mhz và băng tần 3.800 - 3.900 Mhz. Thêm vào đó, băng tần này còn có khả năng sử dụng cho cả mạng 4G.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thắng đấu giá khối băng tần C2 (3.700 - 3.800 MHz) sau 17 vòng. Đây là dải băng tần tầm trung đang được nhiều nhà mạng lớn trên thế giới tìm kiếm và sử dụng nhờ lợi thế về băng thông lớn, tốc độ cao, độ trễ thấp cùng chi phí đầu tư hiệu quả, đáp ứng được các mạng lưới 5G tiên tiến nhất hiện nay.
Với khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz), do danh sách doanh nghiệp không đủ điệu kiện tham gia đấu giá nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã không tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng khối băng tần này. Khối này sẽ được đấu lại với giá khởi điểm bằng giá của khối C2 theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, sau khi đấu giá Cục Tần số Vô Tuyến điện đã theo dõi các nguồn tin trong nước, quốc tế về các phiên đấu giá và ghi nhận sự những phản hồi thành công của phiên đấu giá. Sau 15 năm, đây là các phiên đấu giá băng tần thành công đầu tiên trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Không chỉ thu được tiền đấu giá đề nộp ngân sách, việc đấu giá còn đảm bảo yếu tố minh bạch quy trình cấp phép tần số quý hiếm. Kết quả các doanh nghiệp đã có được băng tần, giải quyết được vấn đề nghẽn băng tần để triển khai các dịch vụ viễn thông băng rộng. Theo đó, các tần số để triển khai thông tin di động đã tăng lên 59% (khoảng 200MHz) so với lượng tần số hiện tại (340Mhz). Chất lượng dịch vụ di động chắc chắn sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp khai thác các tần số mới.
Trong trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá không thực hiện đúng quy định tiến độ triển khai hạ tầng, ông Lê Văn Tuấn cho biết, theo Nghị định 63/2014 -NĐ-CP về luật đấu giá, doanh nghiệp vi phạm quy định sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần trúng đấu giá trong vòng 2 tháng. Nếu doanh nghiệp không khắc phục, biện pháp cuối cùng là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thu hồi băng tần đã trúng đấu giá.